Nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè

Cập nhật: Thứ bẩy 03/05/2014 - 09:14
 Hiện nay, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) có 300ha chè, trong đó chè cành giống mới năng suất, chất lượng chiếm trên 50%. Trong ảnh Nông dân xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) tưới chè.
Hiện nay, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) có 300ha chè, trong đó chè cành giống mới năng suất, chất lượng chiếm trên 50%. Trong ảnh Nông dân xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) tưới chè.

Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án Nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có trên 19.100 ha chè, trong đó, có gần 17.300ha chè kinh doanh; năng suất chè đạt xấp xỉ 111tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt 191.878 tấn; 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng VietGAP; giá trị sản xuất chè đạt 91 triệu đồng/ha...

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Trưởng xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ):  3 năm trở lại đây, người làm chè ở xóm Văn Hữu đã có ý thức sản xuất chè an toàn. Hiện, ở xóm tôi không còn tình trạng người làm chè phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bừa bãi cho chè; có thời gian cách ly đúng quy định từ khi phun thuốc bảo vệ thực vật đến khi thu hái chè… Nhờ đó chất lượng chè được nâng lên, giá bán chè búp khô cũng tăng đáng kể, mỗi kg tăng từ 30-100 nghìn đồng…

 

 

Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Mặc dù còn 2 năm nữa mới kết thúc Đề án, tuy nhiên với những kết quả đã được, chắc chắn nhiều chỉ tiêu sẽ hoàn thành trước kế hoạch.

 

Cùng với những kết quả đạt được như đã nêu trên thì việc thực hiện Đề án này đã mang lại nhiều kết quả thiết thực khi chỉ trong vòng 3 năm (2011-2013), toàn tỉnh đã trồng mới và trồng lại được hơn 3.900 ha chè bằng các giống chè chất lượng cao, được nhân giống bằng phương pháp giâm cành như LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên (kế hoạch giai đoạn 5 năm trồng mới và trồng lại: 4.000 ha). Bà Lê Thị Hải, xóm Kẹm, xã La Bằng (Đại Từ) nói: Gia đình tôi có 8 sào chè. Từ năm 2011 đến nay, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi giống chè. Hiện, gia đình đã có 3 sào chè giống mới.

 

Ngoài ra, tỉnh ta đã xây dựng được các vùng sản xuất chè theo hướng an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Ông Ngô Văn Hậu, Chi cục Trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho hay: Chúng tôi rất phấn khởi khi kết quả lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm trong năm 2013 không có mẫu chè nào vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến năm 2013, tỉnh ta đã có 29 mô hình sản xuất chè VietGAP được cấp giấy chứng nhận với tổng diện tích hơn 332ha. Đặc biệt, tình hình chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè cũng có những chuyển biến. 3 năm qua, giá trị xuất khẩu chè toàn tỉnh đạt 35,4 triệu USD, trong đó chỉ riêng năm 2013, giá trị xuất khẩu chè đạt 13 triệu USD. Giá chè búp khô tiêu thụ nội tiêu luôn ổn định từ 150 đến 300 nghìn đồng/kg tùy theo thời vụ và vùng sản xuất. Một số vùng chè đặc sản như Tân Cương, Phúc Xuân (T.P Thái nguyên); La Bằng (Đại Từ); Trại Cài (Đồng Hỷ), giá một số sản phẩm chè cao cấp được bán với giá  từ 600 nghìn đến 2,5 triệu đồng/kg chè búp khô.

 

Đáng chú ý là việc phát triển thương hiệu Chè Thái Nguyên đã được người dân quan tâm hơn. Đến nay có 436 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên. Hình thức tổ chức, sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè cũng đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực khi các hợp tác xã, làng nghề sản xuất, chế biến chè tăng cả về số lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh có 23 HTX sản xuất chè và 85 làng nghề sản xuất, chế biến chè được tỉnh cấp bằng công nhận...

 

Ngành Nông nghiệp dự ước đến năm 2015, tất cả các chỉ tiêu đề ra đều hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó có 2 chỉ tiêu sẽ vượt nhiều so với kế hoạch là tổng diện tích chè đạt 19.500ha; giá trị sản xuất chè đạt 96 triệu đồng/ha. Dự ước của ngành Nông nghiệp là hoàn toàn có cơ sở bởi tù nay đến năm 2015, tỉnh ta sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi; nâng cấp, hiện đại hóa các nhà máy chế biến theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm chè; chế biến các sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, chế biến chè; ứng dụng giống mới năng suất, chất lượng để sản xuất chè xanh chất lượng cao…

 

Đặc biệt, trong 2 năm (2014 và 2015), tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm chè bằng nhiều hình thức; sản xuất nguyên liệu chè búp tươi an toàn, chất lượng; chế biến chè quy mô nông hộ đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề sản xuất chế biến tiêu thụ chè, gắn với các hoạt động văn hoá dân tộc, du lịch... Cùng với đó là có chính sách thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến, tiêu thụ chè Thái Nguyên; khuyến khích liên doanh, liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm; liên kết các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài để đẩy mạnh sản xuất, chế biến công nghiệp, tăng lượng xuất khẩu...

 

*Theo kế hoạch, đến hết năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 18.500ha chè; năng suất đạt 120 tạ chè búp tươi/ha, sản lượng 200 nghìn tấn; 100% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); giá trị sản xuất chè đạt 85 triệu đồng/ha trở lên.

*

3 năm qua, kinh phí thực hiện Đề án (không tính vốn nhân dân tự đầu tư) trên 84 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) gần 74 tỷ đồng; kinh phí đối ứng từ ngân sách tỉnh là 10 tỷ  đồng. Tổng kinh phí tiếp tục thực hiện Đề án từ nay đến hết năm 2015 là 32 tỷ đồng,  giảm 44 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra ban đầu.

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: