Nâng cao thu nhập từ phát triển cây ăn quả

Cập nhật: Thứ tư 06/11/2019 - 10:16
 Với hơn 150 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Vinh bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến gia đình ông Nguyễn Hữu Phong, ở xóm Tuần, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) có nguồn thu trên 50 triệu đồng/năm.
Với hơn 150 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Vinh bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến gia đình ông Nguyễn Hữu Phong, ở xóm Tuần, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) có nguồn thu trên 50 triệu đồng/năm.

Với lợi thế về đất đai, những năm gần đây, bên cạnh việc tập trung phát triển cây chè, nhân dân các xã ở T.X Phổ Yên đã tích cực đưa nhiều giống cây ăn quả chất lượng cao vào trồng. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho bà con, đồng thời từng bước hình thành các vùng cây ăn quả tập trung trên địa bàn.

Là một trong những hộ đi đầu trong việc cải tạo đất vườn đồi để trồng cây ăn quả, ông Nguyễn Hữu Phong, ở xóm Tuần, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) cho biết: Trước kia, với hơn 1.000m2 đất vườn đồi, gia đình tôi chủ yếu trồng keo và một số loại cây ăn quả như táo, ổi, bưởi… nhưng hiệu quả kinh tế thấp do chất lượng giống không bảo đảm, giá bán rẻ mà vẫn khó tiêu thụ. Sau khi được tham quan tìm hiểu thực tế tại nhiều mô hình trồng cây ăn quả có giá trị ở một số địa phương trong tỉnh, năm 2016, gia đình tôi đã cải tạo toàn bộ vườn đồi để chuyển sang trồng hơn 150 cây bưởi Diễn, bưởi da xanh, ổi đường và cam Vinh… Trong quá trình trồng, tôi cũng chủ động tìm hiểu và áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị cây trồng. Đến nay, diện tích trên đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên, dự kiến cho thu nhập trên 50 triệu đồng (cao gấp 2 lần so với cây trồng cũ). Từ mô hình của gia đình tôi, nhiều hộ dân trong xã Đắc Sơn cũng đã bắt đầu tập trung cải tạo, quy hoạch lại vườn đồi để đưa cây ăn quả vào trồng với diện tích khoảng 30ha, nhằm nâng cao thu nhập. 

Xã Phúc Thuận được coi là vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của T.X Phổ Yên và đã được quy hoạch thành vùng trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Theo ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã, trước đây, nhân dân địa phương thường trồng cây ăn quả theo kiểu tự phát, không có sự tính toán, sản phẩm phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cùng những định hướng, quy hoạch của địa phương, tư duy của bà con trong xã đã có sự thay đổi, chủ động đưa vào trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Trong số hơn 400ha cây ăn quả các loại, diện tích nhãn muộn chiếm hơn 200ha, đây cũng là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Chỉ tính riêng năm 2019, sản lượng nhãn của xã Phúc Thuận đạt gần 4.000 tấn, cho thu nhập khoảng 70 tỷ đồng. Hằng năm, ngoài việc tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay, địa phương cũng phối hợp với phòng chuyên môn của Thị xã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả để người dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích.

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Với sự lớn mạnh của các khu, cụm công nghiệp, hiện nay, quỹ đất trên địa bàn Thị xã dần bị thu hẹp để triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế. Nhằm nâng cao thu nhập cũng như giải quyết việc làm cho lao động địa phương, phát triển vùng cây ăn quả tại các xã, phường phía Tây (Phúc Tân, Phúc Thuận, Bắc Sơn, Đắc Sơn, Thành Công, Minh Đức) là một trong những định hướng được T.X Phổ Yên quan tâm thực hiện. Từ lợi thế về điều kiện đất đai, những năm qua, Thị xã đã khuyến khích, vận động và ưu tiên dành nguồn lực, tạo điều kiện để người dân các địa phương trên đưa các loại cây ăn quả vào trồng. Theo đó hằng năm, Thị xã đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức trên 100 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả; cung ứng giống, phân bón trả chậm thông qua hội nông dân; đẩy mạnh liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hỗ trợ thành lập các gian hàng giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện đưa các sản phẩm tham gia triển lãm, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Từ năm 2018 đến nay, Thị xã đã hỗ trợ cải tạo 7,5ha vườn tạp bằng các giống cây ăn quả chất lượng cao; ưu tiên bố trí, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, đường giao thông nội vùng, tập huấn khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo giống... tại xã Phúc Tân, Phúc Thuận, Thành Công, Minh Đức. Khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả; vận động áp dụng khoa học kỹ thuật như sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm mang lại giá trị kinh tế.

Từ những định hướng, hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng sự chủ động của người dân, đến nay, T.X Phổ Yên đã có hơn 1.600ha cây ăn quả. Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây, Thị xã đã trồng mới được trên 330ha cây ăn quả các loại, tập trung nhiều ở các xã: Phúc Thuận, Phúc Tân, Minh Đức, Thành Công. Đặc biệt, Thị xã đã xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với diện tích trên 500ha tại xã Phúc Thuận, Minh Đức, trong đó có 10ha tại xóm Khe Đù và Khe Lánh, xã Phúc Thuận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, bình quân mỗi 1ha nhãn cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng; cam và bưởi cho thu nhập hơn 260 triệu đồng/ha; chuối cho thu nhập 240 triệu đồng/ha…, cao gấp 2,5-3 lần so với một số loại cây trồng khác. Việc trồng cây ăn quả trên địa bàn T.X Phổ Yên đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng, góp phần đưa thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt trên 42 triệu đồng/ người/năm (năm 2017 là trên 30 triệu đồng); giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,7%; giá trị sản phẩm/ha đất nông nghiệp đạt 102 triệu đồng/năm (tăng 6,2 triệu đồng so với năm 2016)... 

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế đối với diện tích cây ăn quả trên địa bàn, ngoài việc định hướng cụ thể về chủng loại, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với từng địa phương, T.X Phổ Yên sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng theo từng vùng, miền; nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường… Qua đó, góp phần thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của người nông dân, hướng tới sản xuất các sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…

Trịnh Phương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: