Người làng chè nói về cái tâm và tình yêu chè

Cập nhật: Thứ bẩy 02/11/2013 - 14:22
 Gia đình chị Phạm Thị Tuyết, xóm Phúc Tài trồng hơn 1 mẫu chè cành giống mới cho thu lãi mỗi năm khoảng 100 triệu đồng
Gia đình chị Phạm Thị Tuyết, xóm Phúc Tài trồng hơn 1 mẫu chè cành giống mới cho thu lãi mỗi năm khoảng 100 triệu đồng

Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013 được tổ chức tới đây, 3 làng nghề chè truyền thống là Tân Ấp 1, Phúc Tài, Bãi Hu, xã Phúc Thuận sẽ đại diện cho huyện Phổ Yên tham dự các phần thi: Búp chè vàng, Bàn tay vàng và Văn hóa pha trà và mời trà. Chúng tôi đã gặp và trò chuyện với những nông dân triệu phú từ chè - những người đã có hàng chục năm gắn bó với cây chè và được người dân yêu mến gọi là nghệ nhân chè thôn dã.

"Phúc Tài có gần 30ha chè, với trên 100/200 hộ làm chè. Trong đó hộ anh Trần Văn Nguyện có diện tích trồng chè nhiều và ngon vào hàng bậc nhất làng nghề" - Ông Phạm Bình Thanh, Trưởng xóm cũng là Trưởng làng nghề chè truyền thống xóm Phúc Tài giới thiệu khi đưa chúng tôi ra thăm vườn chè nhà anh Nguyện. Ông Thanh cho biết thêm, gia đình anh Nguyện có hơn 1 mẫu chè, đã và đang chuyển đổi gần hết diện tích sang chè cành các loại như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên...

 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyện rất tự hào vì năm 2011, sản phẩm của gia đình đã được làng nghề chọn mang đi thi và được trao giải Búp chè vàng (có chất lượng cao và đảm bảo an toàn) trong Liên hoan Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất. Từ đó đến nay, anh chị chẳng phải mang chè ra chợ bán như trước đây. Ngay từ đầu mỗi lứa, đã có các thương lái, khách hàng đến tận nhà hoặc liên hệ qua điện thoại đặt mua. Vừa thoăn thoắt hái chè, anh vừa tâm sự: Làm chè cũng như những nghề khác, phải có sự say mê và dành thời gian, bỏ nhiều công sức đầu tư mới có được kết quả xứng đáng. Nhìn những luống chè cành xanh non, búp căng mơn mởn và nụ cười tươi khi thu hái, chúng tôi hiểu anh chị đã và đang được trả công xứng đáng. Giá chè anh chị bán ra trung bình hiện từ 220-250 nghìn đồng/kg, cao hơn 20-30% so với các hộ khác trong vùng. Chị Phạm Thị Tuyết, vợ anh Nguyện tiếp lời: Để có được mẻ chè ngon, đòi hỏi từ khâu chăm sóc đến lúc hái ngọn, sao sấy, lấy hương đều phải tuân thủ những quy định chặt chẽ trong sản xuất chè an toàn. Ví như lúc hái phải cẩn thận, không để ngọn chè bị dập nát. Nhất là khi sao sấy, kinh nghiệm cảm nhận độ nóng của người làm chè là quan trọng nhất. Phải sao trong mức lửa như thế nào, ốp chè chín độ vừa tới ra sao, vò và sao khô tầm nào là đạt... để có những cánh chè đẹp, khi pha cho nước trà ngon, màu chè đẹp mắt.

 

Ngoài gia đình anh Nguyện, ở Phúc Thuận còn có nhiều hộ làm chè nhiều, ngon có tiếng như hộ ông Nguyễn Hữu Hà, Lưu Văn Thạch cùng ở xóm Tân Ấp 1; Võ Văn Thanh, Nguyễn Hữu Khương cùng ở xóm Bãi Hu; Phạm Bính Thìn, xóm Phúc Tài... Trong đó, ông Nguyễn Hữu Khương, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm được mọi người mệnh danh là "Bàn tay vàng" - danh hiệu cá nhân ông và Làng nghề trồng và chế biến chè Bãi Hu đạt được trong lần tham gia Liên hoan Trà năm 2011. Ông nói: Cũng như các hộ làm chè trong xóm, gia đình tôi đã chuyển sang công nghệ trồng, chăm sóc, đến chế biến với máy móc từ chục năm nay. Tuy nhiên, gắn bó với trồng chè truyền thống gần 30 năm nên cách sao chè thủ công đã đi vào nếp nghĩ của tôi, quen thuộc như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Bằng kinh nghiệm, hơn cả là cái tâm và tình yêu chân thành, sự say mê thì mới trở thành thợ sao chè đúng nghĩa. Ông Khương cũng tâm sự về sự cần thiết của chữ tâm đối với người làm chè. Đó là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay chăm sóc đúng khoa học, kỹ thuật, đảm bảo trọng lượng khi đóng gói... Làm được điều ấy, vừa thể hiện sự tôn trọng khách hàng, người thưởng trà, vừa để giữ thương hiệu và cái tâm của mình thanh thản.

 

Theo lời ông Khương thì tham gia nhiều lớp học về trồng và chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, mấy năm gần đây, người dân ở Phúc Thuận nói chung và Bãi Hu nói riêng đã nhận thức được ý nghĩa và hiệu quả của việc sản xuất chè an toàn. Bởi vậy mà hầu hết các hộ làm chè (với diện tích gần 20ha) của xóm hiện đã thực hiện theo quy trình sản xuất này. Ông Phạm Văn Yên, Trưởng xóm Bãi Hu cho biết thêm: Bà con trong xóm rất vui mừng vì năm 2012, tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn rộng 37ha ở xóm Bãi Hu, Đức Phú (trong đó Bãi Hu có hơn 10ha của 60 hộ nằm trong vùng quy hoạch). Hiện, dự án làm đường bê tông, kênh mương nội đồng, nhà trưng bày chè trị giá hơn 6 tỷ đồng đang được triển khai xây dựng (đạt khoảng gần một nửa khối lượng công việc).

 

Rời nhà ông Khương, chúng tôi tìm đến làng nghề chè truyền thống Tân Ấp 1. Với có 25ha chè, 65/185 hộ làm chè ở xóm đều có thu nhập khá (bình quân là 20 triệu đồng/người/năm). Năm 2010, xóm có 24 hộ nghèo, hiện 18 hộ đã thoát nghèo đều nhờ cây chè. Một số hộ còn làm giàu từ chè, điển hình như ông Nguyễn Hữu Hà. Hiện gia đình ông có diện tích chè lớn nhất xóm (1 mẫu chè cành gồm các loại như LDP1, Bát Tiên, TH3), mỗi tháng thu được trên dưới 1 tạ chè búp khô, bán với giá 170-230 nghìn đồng/kg. 30 năm làm chè đã mang lại cho ông Hà nhiều kinh nghiệm quý báu trong trồng, chăm sóc và chế biến chè, nhất là trong công đoạn lấy hương. Ông chia sẻ: Có người thích hương dậy (ngửi thấy ngay mùi thơm từ lúc chè khô, chưa pha), người lại mê hương chìm (khi chè được pha vào nước, mùi hương mới tỏa ra) nên tùy theo sở thích khách hàng mà tôi lấy hương từng kiểu cho phù hợp. Thường một mẻ chè (10kg) khi lấy hương mất khoảng 40-60 phút. Ban đầu lấy hương cho lửa nhỏ, gần cuối cho lửa to để chè lên hương và giữ được vị tự nhiên. Trong khi lấy hương cũng giống như sao chè, phải luôn chú ý điều chỉnh củi đun ở nhiệt độ vừa tầm.

 

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Ái, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận vui mừng thông tin: Sau Liên hoan Trà lần thứ nhất, thương hiệu chè Phúc Thuận đã được quảng bá đến nhiều địa phương trong tỉnh. Điều này đã thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm chè, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm gần đây, xác định chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội, mỗi năm xã đều có kế hoạch trồng mới va trồng cải tạo những diện tích chè trung du cằn cỗi để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè. Trong 600ha chè hiện có thì một nửa là chè cành giống mới. Đến nay, các hộ đều đã hướng tới sản xuất chè an toàn, quan tâm đến khâu đóng gói và bảo quản sản phẩm bằng máy hút chân không. Đó không chỉ là sự cạnh tranh mà còn là vấn đề giữ gìn thương hiệu vùng chè có tuổi đời trên 50 năm. Chúng tôi rất mong muốn sau Festival lần thứ hai này, chè Phúc Thuận sẽ được quảng bá rộng rãi hơn nữa trên địa bàn tỉnh cũng như ở trong nước và quốc tế...

Linh Lan
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: