Nỗ lực thực hiện các giải pháp thu ngân sách
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, Chi Cục thuế khu vực Phổ Yên - Phú Bình sẽ rà soát và quản lý chặt chẽ các nguồn thu. Trong ảnh: Sản xuất ván gỗ bóc tại một cơ sở chế biến lâm sản ở xóm La Bì, xã Tân Thành (Phú Bình). Ảnh: T.L |
Năm 2022, huyện Phú Bình được tỉnh giao thu ngân sách 923 tỷ đồng (tăng khoảng 7 lần so với năm 2021). Để hoàn thành mục tiêu lớn này, huyện đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, cho biết: Xác định nhiệm vụ thu ngân sách năm nay là khá khó khăn, song chúng tôi quyết tâm hoàn thành. Theo đó, đối với thu cân đối, UBND huyện đề nghị Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên - Phú Bình, các phòng, ban chuyên môn phối hợp tăng cường công tác quản lý thuế. Đối với công tác thu tiền từ đất, huyện tập trung điều chỉnh quy hoạch chi tiết các dự án khu đô thị (KĐT), đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư; giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đã đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư…
Về phía cơ quan Thuế, ông Dương Văn Thê, Phó Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên - Phú Bình, cho hay: Nhận định công tác thu ngân sách năm nay tương đối “nặng nề” và khó khăn, nhất là thu tiền sử dụng đất, lên đến 800 tỷ đồng theo dự toán tỉnh giao, ngay từ đầu năm, chúng tôi tham mưu với UBND huyện đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn. Cùng với đó, cơ quan Thuế phân công cán bộ thực hiện công tác quản lý thu, xử lý nợ thuế; rà soát và quản lý chặt chẽ các nguồn thu; kiểm tra hồ sơ khai, quyết toán thuế của người nộp thuế; tăng cường công tác kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; xây dựng kế hoạch và giải pháp xử lý nợ thuế, trong đó tập trung xử lý các khoản nợ thuế lớn, kéo dài; đôn đốc thu nợ, thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đảm bảo giảm số nợ của người nộp thuế… theo từng tháng, quý.
Đồng thời, Chi cục thuế khu vực Phổ Yên - Phú Bình cũng thường xuyên thực hiện rà soát việc kê khai các loại thuế, phí đối với hoạt động khai thác đất san lấp của các dự án trên địa bàn; triển khai quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng cơ bản, kinh doanh vận tải và thương mại điện tử…
Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác thu ngân sách của huyện Phú Bình đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Dự án Khu đô thị (KĐT) Phú Bình 1 và KĐT Phú Bình 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và phương án đấu giá lựa chọn nhà đầu tư năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được các bước tiếp theo vì một phần diện tích đất theo quy hoạch thực hiện Dự án trùng vào quy hoạch đường cao tốc của Chính phủ.
Tính đến ngày 28-4, tổng thu trong cân đối của huyện Phú Bình đạt 42,5 tỷ đồng, trong đó thu trong cân đối không bao gồm tiền sử dụng đất là 34,4 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất là 8,1 tỷ đồng. Con số này cách rất xa mục tiêu thu ngân sách huyện cần đạt được trong năm 2022.
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, các phòng, ban chuyên môn của huyện Phú Bình đang phối hợp để điều chỉnh quy hoạch chi tiết Dự án KĐT Phú Bình 1 và Phú Bình 2, tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án khu dân cư (KDC), KĐT đã đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư từ năm 2019 (gồm: Dự án KĐT số 6 và KĐT Cầu Cỏ; điểm dân cư nông thôn sinh thái Điềm Thụy) để có cơ sở đề nghị UBND tỉnh giao đất cho nhà đầu tư và xác định tiền thuê, sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước trong năm nay; khẩn trương lập và phê duyệt đầu tư đối với các dự án KDC, KĐT thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 của huyện; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với những dự án được UBND tỉnh lựa chọn chủ đầu tư trong năm 2022 (dự kiến gồm: KĐT số 4, KĐT Hòa Bình, KĐT số 12 và KDC Hồ Dinh, điểm dân cư Trung tâm xã Tân Đức…) để thực hiện ghi thu, ghi chi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng…