Nơi hoàng hôn đến vội
Trẻ em xã Linh Thông trên đường đi học về. |
Từ T.P Thái Nguyên lên xã Linh Thông (Định Hoá) mất hơn 3 giờ chạy xe máy. Đường nhỏ, loắc ngoắc cua bám theo bờ núi, khi đến trung tâm xã cũng vừa chiều muộn. Chúng tôi tấp xe vào một quán nhỏ, xin chén trà nóng chữa lạnh, ngoái trông ra ngoài thấy trời xầm xập tối. Cái bóng của trời đêm mang đến có thể nhìn thấy bằng mắt thường, vậy mới nói Linh Thông là vùng đất hoàng hôn đến vội.
Đang ngày đông giá, mù sương giăng kín, lạnh kinh khủng, tôi gặp trên đường nhiều bé em mang cặp sách trên lưng, áo mỏng phong phanh đi như chạy. Một em bảo: Chúng cháu phải chạy nhanh về nhà để ôm bếp lửa. Một em đi cùng nói: Rét lắm, nhà ở xa, dép bị rách mẹ chưa có tiền mua thì lấy đâu ra tất ấm… Tôi cũng vội rụt cổ sâu hơn xuống vai áo để “ngắm nhìn” vùng đất Linh thông đang “nhúc nhích” đổi mới. Vì đây là một trong những vùng đất xa nhất, khó khăn nhất và có số hộ nghèo cao nhất của huyện Định Hoá.
Xã Linh Thông có 13 xóm, hơn 700 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, mức thu nhập của người dân trong xã đạt bình quân 13,5 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo, cận nghèo của xã cao, chiếm 63,8%. Đời sống kinh tế của người dân khó khăn do thiếu đất trồng cấy, thiếu vốn đầu tư và thiếu kinh nghiệm sản xuất. Với Linh Thông, năm 2017 là năm người dân gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đều không đạt kết quả như mong muốn. Sản lượng cây trồng, vật nuôi đều giảm hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thóc cả năm đạt hơn 1.800 tấn (giảm 72 tấn); sản lượng ngô đạt 140 tấn (giảm 32 tấn); đàn lợn duy trì hơn 1.500 con (giảm 1.000 con). Năm 2016 cả xã có hơn 30 trang trại chăn nuôi, nhưng đến thời điểm đầu năm 2018 giảm còn 10 trang trại, hầu hết chỉ chăn nuôi cầm chừng vì sợ thua lỗ.
Ông Lưu Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã tâm sự: Cuộc sống có ai muốn mình nghèo đâu. Nhưng vì rất nhiều lý do như: thiên tai, bệnh tật, chăn nuôi “gặp vận đen”, lợn cả đàn phải bán tống, bán tháo còn chưa đủ tiền trả vốn vay ngân hàng, họ mạc. Nhưng trong khó nghèo, những nông dân chân chất của Linh Thông vẫn bền bỉ vươn lên. Ví như gia đình ông Hoàng Đình Chí, xóm Nà Mị, một trong những gia đình được xóa tên trong danh sách hộ nghèo của xã. Trong năm 2017, xã có 26 hộ thoát nghèo, nhưng phát sinh 14 hộ cận nghèo. Chuyện giúp nhau xóa, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, nhiều người trong xã nhắc đến ông Nguyễn Văn Toàn, xóm Tân Thái đã trực tiếp giúp hộ ông Hoàng Đình Hướng và hộ ông Hoàng Đình Kiểm thoát nghèo. Còn ở xóm Nà Chú, ông Nguyễn Văn Hà giúp hộ ông La Văn Tiêu và ông Trần Văn Hướng thoát nghèo.
Dù đời sống kinh tế của người dân xã Linh Thông còn nhiều khó khăn, nhưng tình người luôn ấm áp. Đồng chí Hoàng Thị Minh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trong xã còn có nhiều hộ nghèo đang cần được Nhà nước giúp đỡ, hỗ trợ vốn sản xuất. Nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến các phong trào thi đua yêu nước được triển khai tại địa phương, trong đó có phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cụ thể năm 2017, trên địa bàn xã có thêm 7 công trình giao thông được triển khai theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, với tổng chiều dài 2.649 mét; 1 công trình mở rộng nền đường bằng nguồn vốn Chương trình 135 dài gần 1km; nhân dân tham gia hiến hơn 2.600 m2 đất cho địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Có mặt ở đó, ông Ma Văn Thuận, cán bộ văn hóa xã cho biết: Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của cán bộ, nhân dân được nâng cao, nên các công trình xây dựng được triển khai tại địa phương đều được nhân dân đồng tình ủng hộ. Điển hình trong hiến đất làm đường, ở xóm Tân Thái có gia đình ông Ma Đức Huấn, hiến 720 m2; gia đình ông Lưu Văn Lục, hiến hơn 400 m2; ở xóm Nà Lá, gia đình ông Hoàng Văn Xôn hiến 570 m2.
Cả Linh Thông đang ngổn ngang như một công trường xây dựng. Những tuyến đường bê tông đang vươn dài qua các xóm Nà Mỵ, Cốc Móc, Tân Thái, Tân Vàng, và Làng Mới. Đến đâu chúng tôi cũng nghe chuyện bà con chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Đi trong không khí rạo rực ấy, tôi cảm nhận những đồng đất dưới chân mình đang động cựa qua từng mùa vàng. Bởi hiển hiện ngay trước mặt là từng công trình mới, những điều mà chỉ ít năm trước đây người dân không dám mơ, như công trình thủy lợi hồ Thâm Bứng; công trình mương dẫn thủy nhập điền ở cánh đồng Bản Trang, Nà Mị, Đồng Luống; công trình mương nước thải sinh hoạt tại xóm Cốc Móc đã được thi công hoàn thiện, phục vụ đời sống dân sinh.
Mải chuyện, bóng tối đã choàng xuống vùng đất Linh Thông từ khi nào. Nhưng trên một số trục đường của xã, tiếng máy xúc, máy gạt, tiếng động cơ xe ô tô nhọc nhằn vận chuyển vật liệu đến chân các công trình xây dựng. Giữa ồn ào tiếng máy và tiếng người í ới trò chuyện, tôi thấy mình vui lây vì được chứng kiến một kiến tạo mới do chính bàn tay, khối óc của chính cư dân nơi lòng chảo Linh Thông đang cùng tạo dựng. Bên khu tái định cư của xã mới hoàn thành cơ sở hạ tầng, và được bàn giao cho 32 hộ dân thuộc các xóm Nà Chát, Nà Chú, Cốc Móc, Nà Mị và Làng Mới vào đầu tháng 1-2018. Đây là những hộ ở sâu trong lân núi, thường xuyên bị núi lở, đá lăn đe dọa mất an toàn. Bên lô đất mới nhận, ông Nguyễn Văn Hoan, xóm Nà Chát cho biết: Gia đình tôi có 6 khẩu, được nhận lô đất rộng 300 m2. Tôi đang chuẩn bị khởi công làm nhà vào đầu năm nay. Ông Thành cho biết thêm: Dự kiến trước mùa mưa bão năm nay, toàn bộ các hộ dân trong vùng thiên tai khẩn cấp được chuyển ra nhà mới tại khu tái định cư. Để người dân có điều kiện làm nhà, ngoài cấp 300m2/hộ, Nhà nước còn hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, trong đó có 22 hộ nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ.
Trên khu tái định cư, một ngôi nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới đã được xây dựng hoàn thiện. Gần đó có một số hộ từ vùng di dời khẩn cấp cũng đang hoàn thiện nhà ở để đón xuân Mậu Tuất trên đất mới. Nên những ngày cuối Đông, trời mưa, lạnh, nhưng lòng người Linh Thông đã ấm áp hơn bởi một sự đổi mới đến với cuộc sống của bà con từng ngày.
Chợt khi ấy tôi hình dung về vùng đất Linh Thông, một xã ở điểm cuối mạn cực Bắc huyện Định Hoá. Từ đây có thể sang các xã Yên Nhuận, Yên Mỹ (Chợ Đồn) và Mai Lạp (Chợ Mới), tỉnh Bắc Kạn. Vì là điểm cuối, nên cũng là cuối nút đường từ huyện vào. Đây là một trong những nguyên nhân để “người ta” dễ nhớ, và dễ quên về một vùng đất, ngay cả mặt trời đi qua vùng đất này cũng vội vã. Để rồi qua một đêm không ngủ, bình minh về Linh Thông đủng đỉnh, mà rạng rỡ hơn bởi lòng người đồng thuận, cùng chung tay góp sức tạo dựng cho quê hương mình một diện mạo nông thôn mới. Tôi bước đi trong đêm lạnh, với niềm mong lần sau trở lại Linh Thông, những bé em mình gặp hôm nay đã có đủ áo ấm, dép lành đến trường học chữ.