Nông thôn khởi sắc ở Đại Từ
Người dân xóm Trại Mới, xã Phú Lạc (Đại Từ) ra quân làm vệ sinh môi trường. |
Đời sống người dân được nâng lên, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm từng bước hoàn thiện… Đó là những đổi thay rõ nét nhất sau 10 năm huyện Đại Từ triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Xác định XDNTM không riêng của cấp, ngành nào, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Đại Từ đã thống nhất về nhận thức, vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, thường xuyên sâu sát cơ sở. Cùng với đó, huyện xác định rõ vai trò chủ thể của người dân, từ đó tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền gắn với các chương trình, hành động cụ thể của các ngành, các cấp để mọi tầng lớp nhân dân hiểu. Trong quá trình XDNTM, huyện luôn có những cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu bức thiết trong đời sống hàng ngày của người dân. Việc triển khai, thực hiện Chương trình gắn với điều kiện thực tế, cụ thể, xác định rõ thực trạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của từng xã, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng địa bàn, địa phương.
Ngoài các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh, trong giai đoạn 2011-2015, HĐND huyện đã quyết nghị hỗ trợ 15 triệu đồng/xóm khi triển khai xây dựng mới nhà văn hóa các xóm. Giai đoạn 2016-2020, tăng mức hỗ trợ lên 20 triệu đồng/xóm, đồng thời hỗ trợ tối đa 10 tấn xi măng/xóm khi các xóm triển khai xây dựng công trình phụ trợ nhà văn hóa. Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo ứng trước xi măng cho các xã để xây dựng đường giao thông nông thôn đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và kịp thời khích lệ động viên các xóm và các khu dân cư nông thôn.
Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt nhiều nội dung phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực tập trung cho Chương trình XDNTM; chỉ đạo triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, đặc biệt là trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Kết quả, đến tháng 6-2019, tổng nguồn vốn huy động đạt gần 1.441 tỷ đồng, trong đó: vốn trực tiếp cho Chương trình XDNTM trên 299 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác gần 826 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 21 tỷ đồng; vốn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên 34,5 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của nhân dân gần 260 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, hệ thống giao thông nông thôn được tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Trong 10 năm đã làm mới, cải tạo, nâng cấp trên 250km đường trục xã, liên xã, trên 500km đường trục xóm, liên xóm, đường ngõ xóm, nội đồng. Ngoài giao thông, huyện đã đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp 83 công trình thủy lợi; cứng hóa, cải tạo, nâng cấp 97,6km kênh mương; xây mới, sửa chữa, nâng cấp được 43 trạm biến áp và 301km đường dây tải điện; xây dựng, sửa chữa 235 công trình trường học; xây dựng mới 26 nhà văn hóa xã đạt chuẩn theo tiêu chí NTM và xây mới, cải tạo, nâng cấp 270 nhà văn hóa xóm; xây dựng, nâng cấp 13 chợ tại các xã… Đến nay, nhiều xã đã xây dựng khu trung tâm xã khang trang, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc cho biết: Bộ mặt nông thôn đã được thay đổi, thu nhập và đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, đảm bảo an sinh xã hội và quan trọng là tạo được sự tin tưởng của nhân dân đối với công tác lãnh đạo của Đảng, chính quyền. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 9,84%, thu nhập bình quân đạt trên 29 triệu đồng/người/năm, tăng trên 10 triệu đồng so với năm 2012.
Đại Từ là huyện có xã được công nhận đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh, đồng thời có số lượng xã được công nhận đạt chuẩn NTM nhiều nhất tỉnh. Đến nay, toàn huyện có 15 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (không tính xã Hùng Sơn, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM đã sáp nhập với thị trấn Đại Từ thành thị trấn Hùng Sơn). Hiện, huyện không còn xã dưới 10 tiêu chí. Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, ngoài việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn, huyện dành sự tập trung cao cho các xã chưa đạt bằng việc xây dựng lộ trình và từng bước thực hiện các tiêu chí. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu từ nay đến 2020 huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM gồm: Văn Yên, Cát Nê và Minh Tiến.
Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng Tiên Hội thành xã NTM kiểu mẫu; xóm Đồng Tiến, xã La Bằng đạt xóm NTM kiểu mẫu. Hiện, xóm Đồng Tiến, xã La Bằng đã cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí xóm NTM kiểu mẫu; xã Tiên Hội đạt 13/19 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, còn 6 tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông; cơ sở vật chất văn hóa; hộ nghèo; tổ chức sản xuất; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Hiện nay, huyện đang tiếp tục chỉ đạo xã Tiên Hội đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung để hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn theo kế hoạch đã đề ra. Phấn đấu trong năm 2020, Tiên Hội đạt xã NTM kiểu mẫu theo kế hoạch đề ra.