Nữ giám đốc hợp tác xã năng động
Vườn ươm giống cây nông, lâm nghiệp của chị Nguyễn Thị Nguyệt (ngoài cùng bên trái) tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động thời vụ và 3 lao động thường xuyên, với mức thu nhập từ 150 - 300 nghìn đồng người/người/ngày. |
Với mong muốn nâng cao chất lượng, từng bước tạo thương hiệu cho sản phẩm chè, chị Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1987), thôn Phú Hội 2, xã Sơn Phú (Định Hóa) đã liên kết các hộ dân thành lập Hợp tác xã (HTX) nông sản Phú Đạt. Hiện nay, HTX nông sản Phú Đạt đã vươn lên trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong cung ứng giống chè và cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện.
Nhận thấy nhu cầu chuyển đổi giống chè của người dân trên địa bàn rất lớn, trong khi đơn vị cung ứng giống lại ít, giá bán cao, năm 2010 chị Nguyệt mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và vốn tiết kiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã để cải tạo 6 sào chè trung du kém hiệu quả sang làm vườn ươm. Ban đầu, chị nhập cây giống từ các vườn ươm trên địa bàn huyện, đồng thời học cách chiết giống trên vườn chè của gia đình. Mới làm, chị gặp nhiều khó khăn nhưng không nản lòng, chị chăm chỉ tích lũy kinh nghiệm, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để nâng cao chất lượng cây giống, đồng thời đi nhiều nơi giới thiệu sản phẩm. Năm 2011, chị quyết định đầu tư mở rộng quy mô vườn ươm từ 20 vạn cây lên 200 vạn cây giống nhằm cung cấp cho các khách hàng lớn. Từ những nỗ lực của chị Nguyệt, cơ sở sản xuất cây giống ngày càng có nhiều người biết đến, đặt mua sản phẩm. Đến năm 2015, vườn ươm của chị được chọn là đơn vị cung ứng giống chè để thực hiện kế hoạch trồng mới, trồng thay thế chè trên địa bàn huyện Định Hóa.
Khi mô hình vườn ươm hoạt động ổn định, nhận thấy cần thiết phải thành lập HTX để có tư cách pháp nhân ký kết hợp đồng, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, tháng 4-2018, chị đã liên kết với các hộ dân để thành lập HTX nông sản Phú Đạt do chị làm giám đốc. Chị Nguyệt cho biết: Hiện nay, HTX có 9 thành viên với diện tích canh tác 3ha. Từ khi thành lập đến nay, HTX xuất bán được trên 600 vạn cây giống các loại (chủ yếu là chè), 2 tấn chè búp khô, cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, HTX cũng tạo việc làm cho gần 100 lao động thời vụ và 3 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 150 - 300 nghìn đồng/ngày.
Cùng với việc phát triển kinh tế, chị Nguyệt còn tích cực tham gia các hoạt động của thôn, như: Ủng hộ, đóng góp kinh phí, hiến đất để làm các công trình phúc lợi xã hội và giúp đỡ được 4 hộ phụ nữ trong thôn thoát nghèo. Chị Ma Thị Yến, người đã có 8 năm làm việc tại vườn ươm của chị Nguyệt chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, để trang trải cuộc sống, trước đây tôi phải đi làm thuê khắp nơi mà việc không đều, thu nhập bấp bênh. Từ khi làm việc cho chị Nguyệt, tôi có thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo.
Không chỉ có vậy, khi thôn Phú Hội 2 được Hội LHPN xã Sơn Phú chọn tham gia thực hiện Dự án “Phụ nữ Thái nguyên phát triển kinh tế hợp tác” và điểm thực hiện tốt mô hình chế biến chè sạch an toàn, chị Nguyệt còn được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác chè Phú Hội. Được giao trách nhiệm, chị đã tích cực vận động chị em trong thôn tham gia vào tổ, từ 19 thành viên đến nay tổ đã tăng lên 28 thành viên. Các chị em trong tổ tích cực tham gia các khóa tập huấn khoa học kỹ thuật, tuân thủ các quy trình trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, Tổ hợp tác chè Phú Hội sớm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, Tổ còn thành lập tổ tiết kiệm tại chỗ. Mỗi năm Tổ tiết kiệm được trên 90 triệu đồng, số tiền này để giúp các gia đình chị em nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Chị Ngô Thị Nụ, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Phú cho biết: Chị Nguyệt rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội cũng như các phong trào của địa phương. Chị luôn vận động và cùng chị em hưởng ứng tham gia các phong trào do Hội LHPN phát động, như: Ra mắt xây dựng mô hình câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, gắn với mô hình “10 chung 1”, mô hình thu gom rác thải vỏ bao bì vật; hàng tháng tham gia quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch sẽ.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, chị Nguyệt nói: Thời gian tới, ngoài việc duy trì vườn ươm, tạo việc làm cho lao động địa phương, tôi sẽ xây dựng xưởng chế biến chè để thu mua chè búp tươi cho bà con, đồng thời mở rộng kinh doanh các mặt hàng nông sản đặc trưng, thế mạnh của địa phương để tạo thêm công ăn việc làm cho chị em.