Phát triển làng nghề chè ở Đồng Hỷ chưa được như mong đợi

Cập nhật: Thứ sáu 01/11/2019 - 09:58
 Các thành viên của Làng nghề chè xóm 9, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đổi công hái chè.
Các thành viên của Làng nghề chè xóm 9, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đổi công hái chè.

Huyện Đồng Hỷ hiện có hơn 3.600ha chè, trong đó có 3.100ha chè kinh doanh với 36 làng nghề chè được công nhận. Để nâng cao giá trị, quảng bá sản phẩm chè ra thị trường, nhiều năm qua, các sở, ngành của tỉnh, huyện Đồng Hỷ đã có không ít chương trình hỗ trợ người trồng chè, như: Hỗ trợ máy móc, cây giống, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật... Được hỗ trợ, người trồng chè trên địa bàn cũng nhiệt tình tham gia, hưởng ứng các chương trình, hoạt động, đồng thời tích cực đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Mặc dù năng suất, chất lượng sản phẩm chè tại các làng nghề qua thời gian đã có sự thay đổi đáng kể, song, các làng nghề chè vẫn chưa phát triển như mong đợi của cả người dân và cơ quan quản lý.

Thực tế cho thấy, các làng nghề chè sau khi được công nhận, dấu ấn để lại chỉ là… chiếc cổng làng nghề, sản phẩm tại các làng nghề cơ bản chưa có chỗ đứng trên thị trường. Ông Phạm Văn Hiến, Phó Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đồng Hỷ cho biết: So với 5-7 năm trước, năng suất, chất lượng sản phẩm chè tại các làng nghề đã thay đổi rất nhiều nhưng để có “vị trí” trên thị trường thì sản phẩm chè của Đồng Hỷ lại chưa có. Người dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm như thời điểm trước khi được công nhận làng nghề, chưa có sự liên kết chuỗi trong việc sản xuất, cung ứng sản phẩm; bà con vẫn tự bán tại các chợ hoặc tiểu thương đến nhà để thu mua. Nguyên nhân của tình trạng trên là do còn thiếu cơ chế, chính sách cho các làng nghề chè sau thành lập. Đơn cử, như việc trưởng xóm vẫn kiêm nhiệm trưởng ban quản lý làng nghề (BQL), không có cơ chế hỗ trợ cho BQL dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Từ việc này dẫn đến việc tạo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm làng nghề chưa có.

Văn Hán là địa phương có diện tích chè lớn nhất trong các xã, thị trấn của huyện Đồng Hỷ, với gần 1.000ha. Đây cũng là xã có số làng nghề nhiều nhất với 17 làng nghề (của 17 xóm) chè truyền thống. Tuy vậy, nếu “kiểm” trên thị trường trong và ngoài tỉnh thì sản phẩm của các làng nghề chè của xã Văn Hán chưa có “tên tuổi”. Ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Thời gian qua, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến người làm chè từ khâu sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, song, có lẽ trong quy trình đó vẫn thiếu khâu quan trọng đó là các làng nghề chè không có tư cách pháp nhân (như: Không có con dấu, hóa đơn chứng từ...) như hợp tác xã, dẫn đến việc khó có thể ký được các hợp đồng lớn với các đơn vị, doanh nghiệp mà họ yêu cầu có con dấu, chứng từ. Đó là chưa kể đến các làng nghề chè không đáp ứng đủ về số lượng để cung ứng cho doanh nghiệp bởi sự liên kết giữa các thành viên làng nghề còn lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm, BQL làng nghề hoạt động còn kém hiệu quả, không có cơ chế hỗ trợ các thành viên trong BQL nên làm giảm đi sự nhiệt tình trong việc quảng bá sản phẩm ra thị trường.

Giải pháp nào để sản phẩm làng nghề chè có chỗ đứng trên thị trường đang là vấn đề mà người làm chè cũng như các cơ quan quản lý băn khoăn. Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng BQL Làng nghề chè xóm 9 cho biết: Chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ các máy móc sản xuất, chế biến chè, đặc biệt là các máy chế biến chuyên sâu như: Máy sấy chè, máy sao ga, vò chè... để nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng xóm kiêm trưởng BQL Làng nghề chè xóm Thịnh Đức 1, xã Văn Hán, cho biết: Nhà nước nên có các cơ chế hỗ trợ với BQL các làng nghề, bởi quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm. Khi được hỗ trợ thì BQL sẽ có trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu cho biết thêm: Bà con vẫn phải tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm chè, còn về phía cơ quan quản lý, tôi nghĩ, cần duy trì các cơ chế hỗ trợ, đơn cử, như: Kinh phí chứng nhận, gia hạn sản xuất chè theo quy trình an toàn, không nên “nóng vội” việc thu phí bởi quy trình này đòi hỏi có thời gian để cả người dân và người tiêu dùng hiểu, thay đổi thói quen, ưu tiên sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Nếu vội vàng bỏ cơ chế hỗ trợ với người làm chè dễ dẫn đến người dân bỏ quy trình vì họ chưa thấy được lợi ích kinh tế, vô hình chung dẫn đến tình trạng “tiền mất tật mang”.

Chung An
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: