Phát triển rừng gắn với chế biến lâm sản
Cơ sở sản xuất gỗ ván ép của Hợp tác xã Chuyên Đức, xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) hiện tạo việc làm ổn định cho 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. |
Là địa phương giàu tiềm năng về phát triển kinh tế rừng với trên 34.758ha đất lâm nghiệp (chiếm 66,7% tổng diện tích đất tự nhiên), những năm gần đây, huyện Định Hóa đã và đang đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất gắn với phát triển các cơ sở chế biến lâm sản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Quy Kỳ là xã có diện tích đất rừng lớn nhất huyện Định Hóa với trên 5.000ha rừng các loại. Nếu như trước đây, hầu hết diện tích đất lâm nghiệp của xã đều bị bỏ hoang thì nay, người dân đã phủ kín một màu xanh của các loại cây keo, mỡ, quế… Khoảng 5 năm trở lại đây, năm nào người dân trên địa bàn xã cũng khai thác hàng trăm mét khối gỗ xuất bán cho các cơ sở chế biến lâm sản. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng đã góp phần đáng kể vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 27 triệu đồng/người/năm (tăng 10 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 16% (giảm 15% so với năm 2015). Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ rừng, những năm gần đây, người dân ngày càng tích cực tham gia trồng rừng sản xuất, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Mỗi năm người dân trong xã trồng mới từ 130-150ha rừng các loại. Hiện toàn xã có trên 1.500ha rừng sản xuất, trong đó có gần 400ha quế.
Gia đình ông Lưu Bá Mai, thôn Đăng Mò, xã Quy Kỳ là một trong những gia đình đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá trong vài năm trở lại đây nhờ đầu tư trồng rừng sản xuất. Trò chuyện với chúng tôi, ông Mai phấn khởi cho biết: Gia đình tôi hiện có gần 7ha keo lai đã đến tuổi khai thác và 3ha cây quế mới trồng. Cuối năm 2019, tôi khai thác 3ha keo bán được 210 triệu đồng, 4ha keo còn lại sẽ cho khai thác vào cuối năm nay, dự kiến thu về khoảng 280 triệu đồng. Nhờ nguồn thu từ trồng rừng, gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang và có cuộc sống ổn định.
Huyện Định Hóa hiện có 34.758ha đất lâm nghiệp, trong đó, rừng sản xuất 17.514ha, chiếm 50,38%; còn lại là rừng đặc dụng với 8.064ha và rừng phòng hộ với 9.181ha. Xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là một thế mạnh của địa phương cho nên những năm gần đây, huyện Định Hóa đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất như: Hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn khoa học - kỹ thuật… Nhờ đó, người dân đã tích cực tham gia các dự án trồng rừng. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã trồng mới được trên 7.600ha rừng các loại, bình quân khoảng 1.000ha/ năm, góp phần nâng độ che phủ rừng từ 48% (năm 2015) lên gần 58,5% (năm 2019). Cũng từ năm 2015 đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã khai thác được 200.127m3 gỗ tròn các loại; 7.056 ste củi tận thu và trên 5.000 tấn vầu, nứa… với tổng giá trị kinh tế thu được trên 200 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, với mục tiêu từng bước hình thành vùng nguyên liệu quế tập trung nhằm phục vụ nhà máy chiết xuất tinh dầu quế tại địa phương, huyện Định Hóa đã triển khai Dự án trồng quế tại 24/24 xã thị trấn. Để khuyến khích người dân tham gia Dự án, huyện đã trích ngân sách trên 10,6 tỷ đồng để hỗ trợ toàn bộ chi phí mua cây quế giống cho người dân. Sau 5 năm triển khai Dự án, toàn huyện đã trồng được trên 2.250ha quế. Hiện nay, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi của người dân đã bắt đầu cho khai thác tỉa với sản lượng trung bình khoảng 10 tấn sản phẩm tươi/ha. Toàn bộ sản phẩm khai thác từ cây quế hiện được doanh nghiệp thu mua tại địa phương với giá từ 1.500 - 2.000 đồng/kg cành, lá tươi; 20.000 đồng/kg vỏ quế tươi; 2,8 triệu đồng/m3 thân cây gỗ quế (cao gấp 1,5 lần so với gỗ keo). Theo tính toán của người dân, sau khoảng 15 năm chăm sóc, 1ha quế sẽ cho thu nhập từ 450 - 550 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với cây keo, gấp 5,5 lần so với cây mỡ tại địa phương.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào, những năm gần đây, trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản đi vào hoạt động. Toàn huyện hiện có 104 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, trong đó, có 9 doanh nghiệp; 95 cơ sở kinh doanh hộ gia đình. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản hoạt động chủ yếu là bóc ván, ép ván, băm răm, xẻ gỗ, đóng mộc dân dụng và sơ chế sản phẩm từ cây quế… Các cơ sở này không chỉ giúp người dân tiêu thụ được nguồn nguyên liệu rừng tại chỗ mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động của địa phương.
Theo thống kê, 104 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn huyện đang giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như Doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép Thiên Sinh tại xóm Hợp Thành, xã Phượng Tiến hiện tạo việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/ người/tháng. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp này thu mua khoảng 30.000m3 gỗ keo, mỡ của người dân trên địa bàn huyện, doanh thu mỗi năm đạt trên 10 tỷ đồng. Hay như cơ sở sơ chế sản phẩm từ cây quế của Doanh nghiệp tư nhân Vũ Hoa, hiện tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/ tháng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thắng, Phó Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Hiệu quả từ phát triển kinh tế rừng ở địa phương không chỉ dừng lại ở việc nâng cao thu nhập, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà quan trọng hơn là làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp họ mạnh dạn đầu tư, khai thác có hiệu quả giá trị cây lâm nghiệp, từ đó tạo điều kiện cho người dân vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…