Phát triển rừng gắn với chế biến lâm sản
Cán bộ Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa kiểm tra thực trạng rừng và tuyên truyền, vận động nhân dân xã Linh Thông phát triển kinh tế rừng (ảnh chụp đầu năm 2021). Ảnh: T.L |
Thời gian qua, phát triển kinh tế rừng là một trong những giải pháp tạo sinh kế được huyện Định Hóa triển khai hiệu quả. Với mục tiêu giúp người dân dựa vào kinh tế rừng để phát triển bền vững, huyện đang tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều chính sách khuyến khích bà con trồng rừng sản xuất gắn với phát triển các cơ sở chế biến lâm sản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có 32.414ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng sản xuất chiếm 55% (17.832ha) còn lại là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Trung bình mỗi năm, huyện trồng mới được khoảng 1.000ha rừng các loại, góp phần nâng độ che phủ rừng từ 48% (năm 2015) lên gần 59% (năm 2020). Hằng năm, người dân trong huyện khai thác được 25.000-30.000m³ gỗ tròn các loại, gần 30.000 ste củi và hàng trăm nghìn cây vầu, nứa…, với tổng giá trị kinh tế khoảng 40 tỷ đồng.
Trong số các xã, thị trấn của huyện Định Hóa, Tân Thịnh là một trong những địa phương có diện tích đất rừng lớn nhất, với trên 4.900ha rừng các loại (chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên). Nếu như trước đây, nhiều diện tích đất lâm nghiệp ở xã bị bỏ hoang hoặc trồng các loại cây kém hiệu quả, thì nay, hầu hết đã được phủ kín một màu xanh của các loại cây keo, mỡ, quế…
Hằng năm, người xã Tân Thịnh trồng mới được hơn 100ha rừng, sản lượng gỗ khai thác đạt trên 2.000m³/năm. Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, đời sống của nhân dân địa phương ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,5% năm 2016 xuống còn 8,75% vào năm 2020. Đơn cử như gia đình ông Trịnh Xuân Cường ở xóm Làng Đúc. Ông Cường cho biết: Năm 2009, gia đình tôi đã chuyển toàn bộ 5ha rừng kém hiệu quả sang trồng keo. Đến năm 2017, diện tích rừng keo được khai thác, gia đình tôi thu về trên 250 triệu đồng. Từ số tiền tích lũy, gia đình tiếp tục đầu tư trồng rừng và phát triển chăn nuôi, qua đó thoát nghèo và có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế rừng trong mọi tầng lớp nhân dân, huyện Định Hóa còn tích cực thực hiện các chính sách khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất như: Hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn khoa học - kỹ thuật… Huyện cũng đặc biệt quan tâm việc chuyển đổi cơ cấu và nâng cao giá trị cây lâm nghiệp thông qua việc đưa cây quế, một loại cây phù hợp với điều kiện địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao vào trồng đại trà.
Sơ chế sản phẩm từ cây quế tại Công ty TNHH Vũ Hoa, ở thị trấn Chợ Chu (Định Hóa). Ảnh: V.D
Theo đó, từ năm 2015 đến nay, với mục tiêu từng bước hình thành vùng nguyên liệu quế, huyện Định Hóa đã triển khai Dự án trồng quế tại 23/23 xã, thị trấn. Để khuyến khích người dân tham gia Dự án, huyện đã trích ngân sách trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ toàn bộ chi phí mua cây quế giống cho người dân. Sau 5 năm triển khai, Dự án đã hỗ trợ người dân trồng được trên 2.200ha quế. Năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Định Hóa đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ/HU về việc đẩy mạnh phát triển cây quế và chế biến các sản phẩm từ quế giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đưa quế trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng, phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện có hơn 10.000ha quế, chiếm khoảng 1/3 diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn ra nghị quyết chuyên đề về trồng quế; đồng thời, quan tâm, có chính sách hỗ trợ về giống đối với các hộ trồng quế. Hiện nay, toàn huyện đã có trên 2.500ha quế, nhiều diện tích đã cho khai thác tỉa với sản lượng trung bình khoảng 8-10 tấn sản phẩm tươi/ha. Toàn bộ sản phẩm khai thác từ cây quế đều được các doanh nghiệp thu mua với giá từ 1.500 - 2.000 đồng/kg đối với cành, lá tươi; 20.000 - 25.000 đồng/kg vỏ quế tươi; 2,8 triệu đồng/m3 thân cây gỗ.
Để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế rừng, hoạt động chế biến lâm sản cũng được huyện Định Hóa quan tâm thông qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục pháp lý, tạo điều kiện về vay vốn, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án đầu tư. Hiện nay, toàn huyện có trên 100 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản với hoạt động chủ yếu là sản xuất ván ép, ván bóc, xẻ gỗ, đồ mộc dân dụng, sơ chế sản phẩm từ cây quế… Các cơ sở này không chỉ giúp người dân tiêu thụ được nguồn lâm sản khai thác tại chỗ mà còn tạo việc làm cho trên 2.000 lao động của địa phương với mức thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hoàng Đức Sinh, Phó Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Khoảng 5-7 năm trở lại đây, phát triển kinh tế rừng ở huyện Định Hóa không những giúp nâng cao thu nhập cho người dân, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững mà còn thay đổi tư duy sản xuất của bà con, thúc đẩy họ mạnh dạn đầu tư, khai thác có hiệu quả giá trị cây lâm nghiệp. Đồng thời, hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng của bà con còn đem lại lợi ích thiết thực về tạo cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu…