Quy hoạch vùng chè nguyên liệu ở Đại Từ
Người dân xã La Bằng sử dụng máy tưới chè tiết kiệm nước. |
Bao đời nay, cây chè đã bén rễ và có chỗ đứng vững chắc trên mảnh đất Đại Từ. Ở vùng núi Bóng, xã Minh Tiến vẫn còn những cây chè cổ và có cả những vườn chè đã hàng trăm tuổi. Để thoát nghèo và làm giàu, người nông dân Đại Từ đã coi cây chè là cây trồng mũi nhọn, không ngừng đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu cho chè Đại Từ.
Nhắc đến chè Đại Từ, nhiều người nhớ ngay tới những vùng chè đặc sản nổi tiếng như chè La Bằng, chè Làng Thượng (xã Phú Thịnh), chè Khuôn Gà (thị trấn Hùng Sơn)... Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2013, số diện tích chè đang cho thu hoạch của Đại Từ là hơn 6.000 ha, chiếm 1/3 diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên, và là huyện có diện tích chè lớn đứng thứ hai so với các huyện trồng chè trong cả nước, chỉ sau huyện Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng. Giá chè búp khô loại ngon bán tại các chợ phiên luôn ở mức trên 400 nghìn đồng/kg. Chè búp tươi bán cho các cơ sở chế biến cũng đạt trên 10 nghìn đồng/kg. Theo ước tính, mỗi năm, cây chè đã mang lại thu nhập cho người làm chè ở chè Đại Từ khoảng 800 tỷ đồng.
Để có được những con số ấn tượng đó là nhờ huyện Đại Từ đã và đang tích cực thực hiện quy hoạch và hình thành các vùng chè nguyên liệu tập trung tại địa phương. Đồng chí Nguyễn Thị Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đại Từ hiện là địa phương duy nhất của tỉnh có quy hoạch chung về cây chè. Trong vòng 4 năm (từ năm 2012 đến năm 2015), chúng tôi phấn đấu trồng mới, trồng thay thế 1.300ha chè giống mới, góp phần nâng diện tích chè giống mới chiếm trên 50% trong tổng diện tích chè của toàn huyện; 100% diện tích chè tại các vùng sản xuất đáp ứng các yêu cầu sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 20% sản lượng là chè xanh đặc sản chất lượng cao được sản xuất, chế biến trên thiết bị hiện đại, đóng gói nhỏ phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu. Để thực hiện tốt các mục tiêu này, chúng tôi tập trung các giải pháp vào chuyển đổi cây giống và hướng dẫn người dân sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trong chuyển đổi cơ cấu giống chè, từ năm 2012 trở lại đây, huyện Đại Từ có cơ chế hỗ trợ 100% giá giống cho 3 loại chè cành mới là Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, LDP1. Việc lựa chọn và hỗ trợ người dân 3 loại giống chè cành mới này đã giúp Đại Từ hình thành nên các vùng chè nguyên liệu chất lượng cao phục vụ cho chế biến chè xanh cao cấp. Chỉ trong 2 năm 2012-2013, huyện Đại Từ đã chỉ đạo trồng mới, thay thế 827ha chè bằng giống mới, nâng tổng diện tích trồng chè giống mới của huyện đạt 2.558ha, chiếm 40,9% tổng diện tích chè. Riêng trong năm 2014 này, phong trào trồng chè cành giống mới trên địa bàn huyện được bà con tích cực hưởng ứng, đăng ký trồng khoảng 630ha. Như vậy, tính đến năm 2014, toàn huyện sẽ có 1.457ha chè giống mới, nâng tổng số diện tích chè giống mới của toàn huyện đạt khoảng 51%. Huyện Đại Từ đã về trước kế hoạch 1 năm so với mục tiêu đề ra.
Cùng với việc chuyển đổi giống chè, huyện còn xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong phát triển cây chè như sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hơn 2 năm qua, huyện đã tổ chức được 51 lớp tập huấn với trên 2.900 lượt người tham gia, nội dung tập huấn về kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, huyện còn triển khai mô hình sản xuất chè an toàn tại các xã. Đến nay, đã có 6 hợp tác xã và Tổ hợp tác chè với 217 hộ tham gia, tổng diện tích trên 100ha đã được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, huyện cũng tập trung nguồn lực xây dựng nhiều công trình thủy lợi như các hồ chứa, vai, đập vừa phục vụ sản xuất cho cây lúa, kết hợp với tưới cho cây chè. Đến nay, huyện đã tiến hành lập dự án xây dựng cụm các công trình thủy lợi vùng đồi cho 6 xã, trong đó 4 công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng như hồ Đèo My (xã Minh Tiến), hồ Ao Mật (xã Hoàng Nông), hồ Nước Đục (xã Phú Lạc), hồ Vai Cái (xã Văn Yên); đồng thời đề nghị tỉnh cho phép lập dự án tiếp tục xây dựng 4 cụm thủy lợi vùng đồi trong những năm tiếp theo. còn hỗ trợ cho nông dân các xã vùng 135.