Quyết tâm phục hồi kinh tế, không để lỡ nhịp

Cập nhật: Thứ năm 17/02/2022 - 18:34
 Chính phủ chủ trương lựa chọn hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch, các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi kinh tế. Ảnh minh hoạ
Chính phủ chủ trương lựa chọn hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch, các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi kinh tế. Ảnh minh hoạ

Nghị quyết số 11 của Chính phủ ban hành cuối tháng 01 vừa qua đã tạo cú huých mạnh mẽ để phục hồi kinh tế đất nước trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Để lên “dây cót”, thể hiện sự quyết liệt ngay từ đầu của Chính phủ, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện đôn đốc các cấp, các ngành triển khai hiệu quả Nghị quyết trên.

Như chúng ta đã biết, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực và toàn diện đến nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong cả giai đoạn 2020-2025 đứng trước nguy cơ khó hoàn thành. Chính vì thế, thời điểm này, sau khi đã ổn định các giải pháp về y tế, chính là lúc phải đưa kinh tế nước ta vượt qua khó khăn để không bị lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là các cấp, các ngành phải tập trung cao độ ngay từ đầu năm để điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hoà, hiệu quả các chính sách tài khoá, tiền tệ, đẩy mạnh quản lý, giải ngân vốn đầu tư công. Cần có ngay các chính sách hỗ trợ đủ lớn, đủ mạnh để tạo sức bật trong tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Muốn vậy phải tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền… và bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ chủ trương lựa chọn hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch, các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi kinh tế…

Trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng ngay chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 11.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, phải xác định thứ tự ưu tiên, gắn với thời hạn hoàn thành, có phân công cụ thể, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phân nhiệm rõ ràng đối với cá nhân lãnh đạo trên nguyên tắc làm việc nào dứt điểm việc đó. Một số nhiệm vụ cấp thiết, Thủ tướng yêu cầu phải xong ngay trong quý I này.

Chính những yêu cầu cấp thiết của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã lan toả tức thời tới các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và người dân. Các bộ, ngành Trung ương đã xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng nhiệm vụ được giao, từ việc tổng hợp danh mục, nhiệm vụ dự án, phương án bố trí, điều chỉnh vốn linh hoạt, hiệu quả đến cấp kinh phí, giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tín dụng…

Các địa phương cũng vậy, nhanh chóng bắt tay vào triển khai nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế. Trong đó đáng chú ý là thúc đẩy giải ngân vốn ở địa phương, đơn vị, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Riêng đối với tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung cao độ thực hiện Nghị quyết số 11 ngay từ đầu năm, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng “xin - cho”, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp để xử lý ngay những vướng mắc phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây khó khăn với người dân, doanh nghiệp, hoặc trì trệ thiếu trách nhiệm trong thực thi công việc.

Tỉnh cũng yêu cầu tháo gỡ những rào cản về thể chế, quy định gây cản trở sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, tận dụng tối đa nền tảng số trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với hồi phục nhanh và phát triển bền vững…

Nguyễn San
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: