Tân Khánh gian nan giữ nghề chè
Diện tích chè của xã Tân Khánh hiện chỉ còn khoảng 5ha (giảm khoảng 25ha so với năm 2015). |
Xã Tân Khánh (Phú Bình) hiện có 3 làng nghề chè, đều được UBND tỉnh công nhận năm 2015, ở các xóm: Cả, Kê và Na Ri. Khoảng 5 năm trở lại đây, việc gìn giữ và phát triển các làng nghề này gặp không ít khó khăn. Có những xóm từng có diện tích gần 10ha chè (năm 2015), đến nay chỉ còn 1,5ha. Nhiều hộ dân trong làng nghề không còn mặn mà với công việc làm chè.
Ông Vũ Khắc Tân, Trưởng Làng nghề chè xóm Na Ri, chia sẻ: Thời điểm mới được công nhận làng nghề, cả xóm có đến 60% số hộ tham gia trồng và chế biến chè, với diện tích gần 10ha. Nhưng hiện nay, do thiếu nhân lực trong khâu thu hái, giá trị từ cây chè mang lại thấp hơn so với một số ngành, nghề khác… nên người dân không còn mặn mà với cây chè mà chuyển dần sang đầu tư các mô hình chăn nuôi, trồng keo hoặc đi làm công nhân. Diện tích chè theo đó giảm xuống chỉ còn 1,5ha với 16 hộ duy trì sản xuất.
Là hộ dân từng có thâm niên 30 năm trồng, chăm sóc và chế biến chè, bà Nguyễn Thị Đông (60 tuổi), Làng nghề chè xóm Cả, bộc bạch: Gia đình tôi hiện có 2.500m2 chè giống LDP1. Mấy năm gần đây, để thuê được người thu hái chè đến lứa rất khó, bởi phần lớn người dân đã đi làm tại các khu công nghiệp. Cùng với đó, giá phân bón ngày một tăng, trong khi giá chè búp khô chỉ ở mức 70.000-120.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi không lãi được bao nhiêu. Do đó, nhà tôi đang tính chuyển dần sang đầu tư trang trại chăn nuôi gà hoặc canh tác cây trồng khác.
Ông Nguyễn Văn Vệ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh, cho biết: Khi mới thành lập, 3 làng nghề chè của xã có khoảng 200 hộ dân tham gia, với diện tích trên 30ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, do lực lượng lao động trong các làng nghề chuyển sang làm việc tại các khu công nghiệp…, mặt khác, việc trồng, chế biến chè mất nhiều công, trong khi hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên người dân dần chuyển sang phát triển chăn nuôi gia cầm. Thêm nữa, do sản phẩm chè Tân Khánh cũng khó cạnh tranh với sản phẩm ở các vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ)… nên giá bán thấp. Đến nay, bà con đã giảm dần diện tích chè chỉ còn khoảng 5ha, với 20 hộ (40 lao động) tham gia sản xuất.
Trước những khó khăn trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề chè, ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng làng nghề chè xóm Cả, nói: Chúng tôi vẫn mong muốn gắn bó với nghề truyền thống và phát triển cây chè ở địa phương. Các hộ dân trong làng nghề mong được cấp trên hỗ trợ giống chè cành, máy móc, thiết bị… để người dân có thêm điều kiện trồng và chế biến chè theo các tiêu chuẩn an toàn và nâng cao giá trị sản phẩm.
Được công nhận làng nghề là cả quá trình xây dựng, đầu tư công sức, nay làng nghề đang dần bị quên lãng, nên rất cần huyện và các cơ quan chuyên môn của tỉnh quan tâm bằng các chính sách khuyến khích phát triển có tính bền vững.