Tăng cường các biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi
Từ khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không bán được lợn mặc dù giá đã xuống thấp. |
Sau gần 1 tháng kể từ khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh dù có lợn mắc bệnh hay không cũng đều trong tâm trạng lo lắng, bất an vì giá lợn giảm sâu và khó tiêu thụ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển chăn nuôi và cần có giải pháp đồng bộ, kịp thời.
Mặc dù có hơn 50 con lợn thịt đã đến thời điểm xuất chuồng nhưng nửa tháng nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thảo, ở xóm 14A, xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) vẫn chưa bán được vì không có người mua. Ông Thảo chia sẻ: Trước đây, khi chưa có thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số địa phương trong tỉnh, gia đình tôi thường xuất chuồng lợn hơi với mức giá 48-50 nghìn đồng/kg. Khi dịch bệnh xảy ra, giá lợn lập tức giảm xuống chỉ còn 33-35 nghìn đồng/kg mà vẫn không có thương lái đến mua. Do chưa bán được lợn nên mỗi ngày nhà tôi phải chịu lỗ 1,5 triệu đồng tiền cám. Nếu như trước đây, mỗi ngày chúng tôi chăn 3 bữa thì nay rút xuống còn 2 bữa và giảm khẩu phần ăn của lợn để giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, gia đình tôi sẽ bị thua lỗ nặng.
Còn anh Dương Xuân Ba, ở tổ dân phố Sau, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) cho biết: Sau gần 2 năm chăn nuôi gặp “bão giá”, đến năm 2018 giá lợn bắt đầu nhích lên thì lại xuất hiện bệnh lở mồm long móng rồi bệnh dịch tả lợn châu Phi vào quý I/2019 khiến những người chăn nuôi như chúng tôi điêu đứng vì chưa kịp gỡ lại vốn. Ngoài ra, những thông tin về lợn nhiễm sán cũng khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Không chỉ giá lợn hơi giảm mà giá lợn giống cũng giảm theo. Cụ thể, một con lợn giống trung bình có giá từ 1,2-1,4 triệu đồng thì nay giảm còn 600-800 nghìn đồng/con. Trước đây, nhà tôi nuôi 30 con lợn nái và 100 con lợn thịt thì nay giảm xuống còn 10 lợn nái và 70 lợn thịt. Ngoài chi phí về thức ăn, chúng tôi cũng phải mua thêm thuốc khử trùng tiêu độc, vôi bột để rắc xung quanh chuồng trại nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh...
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Lân, Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, người chăn nuôi không chỉ gặp khó khăn khi phải tập trung ứng phó với dịch bệnh mà còn gặp khó trong khâu tiêu thụ. Mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng nhiều người dân, các trường học vẫn còn e dè khi sử dụng thịt lợn. Để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn về bệnh dịch tả lợn châu Phi và cách phòng, chống để nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi. Đồng thời, khuyến cáo hộ chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh việc tuyên truyền về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng, chống để người dân không tẩy chay thịt lợn.
Trước những khó khăn của người chăn nuôi, các ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh đã và đang tích cực vào cuộc giải quyết, hỗ trợ bà con. Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, mới đây nhất, ngày 25-3, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các chi nhánh Ngân hàng tiến hành rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do dịch tả lợn châu Phi gây ra để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau khi dịch kết thúc, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Còn đối với Sở Nông nghiệp - PTNT, để hạn chế việc lây lan dịch bệnh gây thiệt hại cho người chăn nuôi, đơn vị đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều biện pháp nhằm khoanh vùng, dập dịch. Tính đến ngày 3-4, toàn tỉnh đã xuất hiện 5 ổ dịch, thuộc 5 xã của 3 địa phương là Phú Bình, T.X Phổ Yên và T.P Sông Công. Trong đó, có ổ dịch xuất hiện đầu tiên ở xã Úc Kỳ (Phú Bình) đã qua 29 ngày, còn ổ dịch ở xã Hà Châu (Phú Bình) mới xuất hiện ngày 31-3. Đến thời điểm này, tỉnh ta đã tiến hành tiêu hủy 878 con lợn, với trọng lượng 51.202kg. Đồng thời, chỉ đạo áp dụng đồng bộ các biện pháp chống dịch như: Khử trùng tiêu độc; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn; giám sát dịch vùng lân cận, giáp ranh… Tính đến ngày 3-4, tỉnh đã cấp phát gần 20 nghìn lít hóa chất, hơn 289 tấn vôi bột, vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, in 6.000 tờ rơi, xây dựng bài tuyên truyền, in sao đĩa gửi các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị để phối hợp tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Đối với hoạt động kiểm soát vận chuyển động vật và các sản phẩm từ động vật ra vào địa bàn tỉnh, chúng tôi thực hiện quản lý chặt chẽ việc kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng số 46 chốt kiểm dịch động vật tạm thời đang hoạt động. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho hoạt động lưu thông động vật, sản phẩm động vật nhưng phải bảo đảm đúng quy trình, có đầy đủ giấy tờ theo quy định.
Hy vọng, với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, cùng với sự chủ động phòng ngừa của người dân, bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ sớm được kiểm soát, góp phần bình ổn thị trường để bà con yên tâm phát triển sản xuất.