Tạo chuyển biến trong khâu đột phá ở Võ Nhai
Công trình tôn tạo đình Mỏ Gà và xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng thuộc Dự án bảo tồn bản truyền thống dân tộc Tày ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) sắp được hoàn thành. |
Một trong ba nhiệm vụ trọng tâm (có thể coi là khâu đột phá) được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Võ Nhai lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 là “Tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh và bản sắc dân tộc của địa phương”. Vì đã thống nhất cao về định hướng, chủ trương nên ngay từ trước Đại hội, Huyện ủy Võ Nhai đã chỉ đạo xây dựng 2 đề án trọng điểm gắn với các lĩnh vực này để sớm triển khai thực hiện, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.
Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất và thuộc diện khó khăn nhất tỉnh. Mặc dù thời gian qua, huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng nhìn chung kinh tế nông, lâm nghiệp và du lịch trên địa bàn còn mang yếu tố tự phát, nhiều tiềm năng chưa được phát huy hiệu quả, chưa đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế - xã hội… Đồng chí Phạm Văn Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai chia sẻ như vậy và cho biết thêm: Sau khi thống nhất trong cấp ủy, xin ý kiến của tỉnh và các ngành liên quan, ngay từ tháng 3 năm nay, Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp, nông thôn và Đề án Phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 (tổ chức tháng 8 vừa qua), dự thảo 2 đề án đã được trình xin ý kiến các đại biểu. Và đến nay, cả 2 đề án đã qua 7 lần hội thảo, bàn bạc và chỉnh sửa, chuẩn bị trình Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐND huyện cuối năm nay.
Việc xây dựng các đề án trọng điểm cho giai đoạn sau từ rất sớm, thậm chí trước Đại hội nhiệm kỳ là một điểm mới trong quan điểm, tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện Võ Nhai. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Võ Nhai chia sẻ thêm: Chúng tôi chỉ đạo sớm xây dựng các đề án để có nhiều thời gian thảo luận kỹ lưỡng, xin ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý, nhà khoa học và nhiều người có tâm huyết. Mặt khác, việc sớm xây dựng đề án sẽ hạn chế độ trễ khi cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, nhằm đạt hiệu quả cao nhất có thể.
Để có thêm cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc triển khai chủ trương phát triển nông, lâm nghiệp và du lịch trong nhiệm kỳ này, cụ thể là 2 đề án nêu trên, huyện Võ Nhai hợp tác với Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai để được giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn về: Công tác quy hoạch, lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất, đào tạo nhân lực lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm…
Nét nổi bật trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp của Võ Nhai những năm gần đây là huyện đã bước đầu hình thành được các vùng cây ăn quả tập trung và phát triển kinh tế đồi rừng khá mạnh. Người dân tại các xã như: Tràng Xá, La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng… đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích sang trồng các loại cây ăn quả có tiềm năng cho giá trị kinh tế cao. Tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện hiện khoảng 1.500ha; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm nay ước đạt khoảng 900 tỷ đồng, tăng bình quân 5,2%/năm trong 5 năm qua.
Hiện nay, phát triển chăn nuôi đại gia súc là một trong những giải pháp được huyện Võ Nhai chú trọng thực hiện. Trong ảnh: Đại diện các cấp, ngành chức năng và nhà tài trợ trao bò giống hỗ trợ các hộ nghèo ở xã Thượng Nung.
Tuy nhiên, đồng chí Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho rằng: Lĩnh vực nông nghiệp của huyện còn nhiều hạn chế, sản xuất chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chất lượng sản phẩm chưa cao, hiệu quả sử dụng đất thấp, các hình thức liên kết và đầu ra chưa ổn định. Nhằm khắc phục những hạn chế đó, trong Đề án Phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025, chúng tôi xác định rõ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và thế mạnh của từng vùng; xây dựng các dự án ưu tiên với các vùng và có lộ trình rõ ràng; đề ra nhiều giải pháp cụ thể…
Về lĩnh vực du lịch, huyện Võ Nhai là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh, hang động, sông suối có cảnh quan đẹp, hệ sinh thái phong phú, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, đồng bào các dân tộc vẫn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo. Đó là lợi thế lớn để huyện phát triển du lịch - dịch vụ. Tuy vậy, những tiềm năng đó chưa được phát huy đáng kể, sản phẩm du lịch của huyện còn nghèo nàn, chất lượng dịch vụ thấp nên chưa thu hút nhiều du khách.
Đồng chí Hoàng Thị Dậu, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Võ Nhai cho biết: Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 là đề án đầu tiên về lĩnh vực du lịch của huyện. Đề án nhằm hiện thực hóa chủ trương từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, hình thành các sản phẩm đặc trưng, có chất lượng và thân thiện với môi trường, tạo dựng được thương hiệu và bản sắc riêng của du lịch Võ Nhai. Với quan điểm và mục tiêu đó, chúng tôi xác định rõ các tiềm năng và sản phẩm du lịch của huyện; đề ra nhiều giải pháp cụ thể về: Vốn đầu tư hạ tầng, cơ chế, phát triển nhân lực, tổ chức quản lý, hợp tác, khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch. Việc thực hiện hiệu quả Đề án không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà cả về văn hóa, xã hội và môi trường…
Trong điều kiện nguồn lực hạn chế và nhu cầu vốn cho 2 đề án nêu trên là khá lớn (riêng Đề án Phát triển du lịch khoảng 400 tỷ đồng, Đề án Phát triển nông nghiệp chủ yếu sử dụng các nguồn vốn lồng ghép), huyện Võ Nhai xác định huy động nội lực là chính, đồng thời tích cực thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Với chủ trương đúng đắn, quan điểm chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, giải pháp rõ ràng và lộ trình cụ thể, huyện Võ Nhai kỳ vọng 2 đề án trọng điểm này sẽ tạo bước chuyển biến về chất cho lĩnh vực nông nghiệp và du lịch của địa phương.