Nguồn vốn chính sách xã hội:
Tạo động lực để người dân vươn lên
Nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bà Ngô Thị Hoa ở xóm Huống, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) đã xây được ngôi nhà mới khang trang. |
Chỉ với số vốn được vay từ vài chục đến trên dưới 100 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), mỗi năm, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo, đời sống ngày càng được cải thiện. Để đạt được kết quả này, các cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể đã vào cuộc rất tích cực, về phía các hộ dân đều nỗ lực sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được vay.
Có dịp đến tìm hiểu thực tế tại nhiều gia đình được vay vốn của NHCSXH trên địa bàn tỉnh, điều chúng tôi dễ cảm nhận được trong câu chuyện của họ chính là sự phấn khởi khi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Bởi nói như nhiều người, đa phần các hộ ở nông thôn đâu dễ dàng vay mượn được tiền của ai, trong khi đó nếu không có vốn thì họ lại chẳng thể làm gì.
Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà cấp 4 mái lợp tôn mát, với diện tích sử dụng gần 90m2 vừa được hoàn thành đầu năm nay, bà Ngô Thị Hoa, 50 tuổi, ở xóm Huống, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) bộc bạch: Chưa bao giờ tôi nghĩ đời mình lại làm được nhà. Là mẹ đơn thân, sức khỏe lại hạn chế nên dù được mẹ cho đất, nhưng tôi vẫn phải sống cùng bà ngoại và gia đình em trai. Cũng may, sau nhiều năm vay vốn hộ nghèo của NHCSXH, tôi đầu tư nuôi trâu, rồi khi trâu đẻ, được bán nghé, tôi nuôi thêm lợn. Cứ thế, cuộc sống của mẹ con tôi dần ổn định. Đến năm 2019, với số tiền tích cóp và được anh em hỗ trợ một phần, tôi đã xây được ngôi nhà này (trị giá trên 200 triệu đồng) và được công nhận thoát nghèo. Thoát khỏi diện hộ nghèo, tôi lại được tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm tạo điều kiện bình xét cho vay vốn hộ cận nghèo, với mức tối đa 100 triệu đồng. Với số tiền này, tôi tiếp tục đầu tư nuôi lợn, 3 con trâu và trồng 3 sào rau. Ngoài ra, tôi còn được vay 20 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Nhìn trong nhà, chúng tôi cũng vui lây khi thấy nhiều vật dụng đã được mẹ con bà sắm sửa, như xe máy, ti vi, tủ lạnh, bếp ga, bình lọc nước và cả những món đồ chơi của đứa cháu nội 3 tuổi của bà.
Giống như hộ bà Hoa, gia đình bà Phạm Thị Thanh, xóm Đông Hồ, xã Thượng Đình (Phú Bình) trước kia cũng thuộc diện hộ nghèo, nhưng bây giờ đã có cuộc sống ổn định hơn. Bà chia sẻ: Chồng tôi mắt kém nên mọi việc trong gia đình phần lớn đều do tôi gánh vác. Vì thế, nhiều năm liền gia đình tôi rất khó khăn. Với số vốn được vay của NHCSXH, tôi đã đầu tư nuôi lợn, rồi mua bò. Cứ thế tôi đã sắm sửa được các vật dụng trong gia đình và vẫn duy trì, phát triển được chăn nuôi. Gia đình tôi đã thoát nghèo năm 2016.
Cũng ở huyện Phú Bình, gia đình anh Nguyễn Văn Trường, xóm Ngò, xã Tân Hòa được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Với số tiền này, anh đã mua 3 chiếc máy để mở dịch vụ xay sát gạo. Do nhiệt tình với khách và lấy giá phải chăng nên cửa hàng của anh khá đông khách. Hiện, trung bình mỗi tháng, anh thu nhập trên dưới 6 triệu đồng. Anh chia sẻ: Ở nông thôn, được làm việc tại nhà và vẫn có thời gian phụ giúp vợ việc đồng áng, thì mức thu nhập như thế là tạm ổn. Kể từ ngày có cửa hàng xay sát gạo, cuộc sống của gia đình tôi đỡ vất vả hơn nhiều.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình anh Nguyễn Văn Trường, ở xóm Ngò, xã Tân Hòa (Phú Bình) đã đầu tư dịch vụ xay sát gạo thuê, có thu nhập trên dưới 6 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Hiện nay, đơn vị đang quản lý nguồn vốn 3.551 tỷ đồng, tăng 217 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả nên nhiều năm nay, tỷ lệ nợ xấu của đơn vị luôn duy trì mức thấp, khoảng 0,06% trên tổng dư nợ. Trong số 16 chương trình NHCSXH tỉnh đang quản lý, cho vay thì có một số chương trình nguồn vốn chiếm tỷ lệ cao như: Hộ nghèo (724 tỷ đồng); cận nghèo (665 tỷ đồng); mới thoát nghèo (391 tỷ đồng); sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (696 tỷ đồng); nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (557 tỷ đồng). Đáng chú ý, nguồn vốn cho vay hộ nghèo khoảng 2 năm trở lại đây bắt đầu có xu hướng giảm. Nếu như năm 2019, nguồn vốn này là 858 tỷ đồng, thì hiện đã giảm 134 tỷ đồng. Trong khi đó, từ tháng 3-2019, Chính phủ còn nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo từ 50 triệu lên 100 triệu đồng. Đây được xem là tín hiệu tích cực bởi điều này cho thấy tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ngày càng giảm…
Tuy nhiên, trong số các chương trình cho vay của NHCSXH tỉnh đang thực hiện, vẫn còn một số chưa đáp ứng đủ nguồn vốn, đáng kể nhất là vốn vay giải quyết việc làm. Trong khi đối tượng của chương trình này rất rộng và mức vay tối đa là 100 triệu đồng/lao động. Chưa kể, trong một hộ, có thể có nhiều lao động đều thuộc đối tượng. Vậy nhưng hiện mới có 5,3 nghìn người được tiếp cận, với tổng dư nợ 242 tỷ đồng. Ngoài ra, một số chương trình khác cũng mới đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu, như: Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; sản xuất kinh doanh vùng khó khăn…
Một vấn đề khác cũng đang được người vay đặc biệt quan tâm, đó là sẽ có 2 chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn kết thúc vào cuối năm 2020, nhưng hiện vẫn chưa có thông tin chính thức từ NHCSXH.
Có thể nói, trong khi nguồn vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn nói riêng, cả nước nói chung đang trong tình trạng thừa vốn và rất khó để thúc đẩy giải ngân thì những chính sách ưu việt từ nguồn vốn NHCSXH luôn được người dân hết sức mong đợi. Từ thực tế này, rất mong sẽ nhận được sự quan tâm hơn của các cấp, ngành chức năng để nguồn vốn vay từ NHCSXH sẽ tiếp tục phát huy được hiệu quả, đáp ứng tối đa nhu cầu của người vay, góp phần giúp đời sống của bà con, đặc biệt là các hộ nghèo ngày càng ổn định, vươn lên.