Tiếp tục “mở đường” cho kinh tế tập thể

Cập nhật: Thứ hai 23/11/2020 - 10:32
 Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX rau an toàn thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Ảnh: H.Đ
Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX rau an toàn thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Ảnh: H.Đ

Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) là một thành phần kinh tế có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương; nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 của các cấp ủy đảng trong tỉnh cũng đều xác định rõ vai trò KTTT. Từ chủ trương của Đảng, các cấp, ngành chức năng đã và đang tiếp tục cụ thể hóa thành những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy KTTT phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại Đại hội Liên minh HTX tỉnh lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020-2025) được tổ chức mới đây, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá: Thái Nguyên là một trong những tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật, rất đáng ghi nhận về phát triển KTTT. Tỉnh đã sớm xây dựng Đề án phát triển KTTT (từ giai đoạn 2011-2015) nhằm cụ thể hóa chủ trưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với khu vực kinh tế này và hiện là 1 trong 5 tỉnh trên cả nước có Đề án phát triển KTTT. Số lượng HTX của Thái Nguyên cũng lớn (hiện có 563 đơn vị) và nhiều hơn đa số các tỉnh khác.

Cùng với số lượng, chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác (THT) không ngừng được nâng lên, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ thành viên. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều HTX điển hình tiên tiến trong hầu hết các lĩnh vực, tạo sức lan tỏa mạnh, góp phần thúc đẩy phong trào HTX…

Những kết quả đó phần nào thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, ngành chức năng khi triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT, cùng với sự nỗ lực tự thân của chính các đơn vị trong khu vực KTTT. Qua việc ban hành và triển khai Đề án phát triển KTTT từ năm 2011 đến nay, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT đã được tỉnh chỉ đạo triển khai khá hiệu quả, như: Cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các HTX, hỗ trợ thành lập mới HTX, xây dựng kết cấu hạ tầng, các mô hình sản xuất, ưu tiên HTX tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội… Đến nay, các mục tiêu trong Đề án phát triển KTTT của tỉnh giai đoạn 2017-2020 đều cơ bản được thực hiện đạt và vượt trong điều kiện nguồn kinh phí còn khó khăn, hạn hẹp.

Thành viên HTX Chè Tuyết Hương, ở xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Mạnh Hùng

Khi trình bày tham luận tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các HTX nông nghiệp tháng 8 vừa qua, đại diện HTX Dịch vụ Hoa Trung (T.X Phổ Yên), ông Nguyễn Đình Bàng rất phấn khởi, cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của các cấp, ngành đối với đơn vị ngay từ giai đoạn vận động thành lập. Ông Bàng cho biết: Chúng tôi liên kết với các hộ thành viên tại nhiều xã nhằm xây dựng vùng nguyên liệu cây đinh lăng để sản xuất dược liệu. Cũng như đa số đơn vị khác, khi mới thành lập, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về vốn, công tác quản trị và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. May mắn là HTX đã sớm được vay 300 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, được hỗ trợ 285 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới khi có tên trong danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn được các cấp, ngành tư vấn, động viên, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm…

Tại sao khu vực KTTT luôn cần được quan tâm hỗ trợ? Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh giải thích: KTTT có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, dù đang có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Các HTX, THT tại Thái Nguyên cũng như cả nước phần lớn hoạt động ở khu vực nông thôn, nông nghiệp, địa bàn khó khăn, quy mô nhỏ, trình độ cán bộ và khả năng quản trị còn nhiều hạn chế, thiếu vốn, lúng túng trong tổ chức sản xuất, xây dựng mỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm… nên dễ bị “tổn thương”. Ngoài ra còn có một “rào cản” rất đáng kể nữa đối với phát triển KTTT là nhận thức của nhiều người dân và không ít cán bộ về mô hình này chưa đúng, chưa đầy đủ, thậm chí có định kiến. Thực trạng đó khiến khu vực KTTT càng phải được quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để phát huy tốt vai trò của mình.
Theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan báo cáo thực trạng và đóng góp vào Định hướng chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030. Liên minh HTX tỉnh cũng đang được giao nhiệm vụ chủ trì đánh giá, xây dựng báo cáo tổng kết Đề án phát triển KTTT của tỉnh giai đoạn 2017-2020 và chuẩn bị xây dựng Đề án giai đoạn mới.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm: Nhằm đánh giá chính xác thực trạng cũng như kết quả thực hiện các mục tiêu của Đề án, làm căn cứ xây dựng các giải pháp, mục tiêu sát thực cho những năm tiếp theo, ngoài báo cáo của các địa phương và ngành liên quan, chúng tôi đã và đang tiến hành khảo sát trực tiếp tại nhiều đơn vị KTTT, phát phiếu thăm dò đến từng HTX. Đồng thời bám sát vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh, nhất là Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 vừa được Chính phủ ban hành đầu tháng này. Quan điểm là sẽ nâng mức hỗ trợ và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ KTTT theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn… Tuy nhiên, yếu tố quyết định sự phát triển của khu vực KTTT vẫn là nỗ lực nội tại của chính các đơn vị và từng thành viên.

Trần Quyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: