Trà Thái Nguyên ở Thành phố mang tên Bác

Cập nhật: Thứ năm 12/09/2013 - 10:27
 Trong 3 năm trở lại đây, chị Hoàng Thị Hương, người kinh doanh ở chợ Bến Thành, bán được khoảng 1 tấn chè khô Thái Nguyên/năm.
Trong 3 năm trở lại đây, chị Hoàng Thị Hương, người kinh doanh ở chợ Bến Thành, bán được khoảng 1 tấn chè khô Thái Nguyên/năm.

Mới đây, từ Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên, chúng tôi xuôi Quốc lộ 1A, trải gần 2.000 km về T.P Hồ Chí Minh để được chia vui ngày Tết Độc lập với bạn bè phương Nam. Bạn bè tôi là những sinh viên của thời đi học từ hơn chục năm về trước. Tay bắt mặt mừng, chúng tôi kéo nhau ra khuôn viên trước Dinh Độc Lập (Quận 1) cùng uống ly trà Thái Nguyên để nhớ về những ngày cùng học ngoài đất Bắc.

Dưới tán cây rợp mát một khoảng trời trước Dinh Độc Lập, chúng tôi ngồi quây quần bên ly trà của 1 cụ bà bán hàng dạo. Cụ quê Thái Nguyên, theo con vào Nam từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Cụ sinh sống bằng nghề bán nước vỉa hè. Chiếc quán di động của cụ gồm mấy cái ghế nhựa, bộ ấm chén, phích nước nóng pha trà… Xa quê lâu năm nên cụ luôn giữ ở trong lòng nỗi nhớ quê hương miền Bắc. Cụ bảo: Ở T.P Hồ Chí Minh có rất nhiều loại trà phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, như Trà xanh, trà Ô Long Lâm Đồng và hàng chục sản phẩm trà được mang từ các tỉnh miền Bắc vào, trong này gọi chung là trà Bắc, nhưng ngon nhất vẫn là trà Thái Nguyên.

T.P Hồ Chí Minh - một đô thị lớn nhất nước có gần 8,8 triệu dân sinh sống, mọi người chủ yếu dùng cà phê, chỉ số ít dùng trà. Ông Trần Văn Can, Quận 3 cho biết: Tôi quê ngoài Thái Bình vào làm ăn từ 5 năm nay. Tôi có thói quen uống trà Thái Nguyên, vì loại trà này thơm, ngọt hậu, uống vào thấy sảng khoái, làm việc hiệu quả.

Nhớ lại gần hai chục năm trước đây, đường xá chưa thuận lợi, hàng hoá chưa lưu thông, người sống ở T.P Hồ Chí Minh hiếm lắm mới có dịp được thưởng trà Thái Nguyên do có người thân đi công tác mang theo để uống. Rồi khi việc "ngăn sông cấm chợ" được xóa bỏ, hàng hoá được lưu thông giữa các vùng miền, cũng như các loại hàng hoá nông sản khác, chè Thái Nguyên được chuyển vào T.P Hồ Chí Minh qua đường bộ, đường hàng không và đường sắt để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Chị Hoàng Thị Hương, người kinh doanh ở chợ Bến Thành cho biết: Tôi kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau, trong đó có chè Thái Nguyên. Để có chè bán, tôi nhờ các lái xe khách đường dài mua giúp, mỗi bao 30kg tôi trả 20.000 đồng tiền cước. Mỗi năm, tôi nhập gần 1 tấn, chủ yếu bán cho bà con ngoài Bắc vào sinh sống. Sau khi nhập chè về, chị Hương chia thành các túi nhỏ: 2 lạng, 5 lạng, 1kg… bán lẻ cho người tiêu dùng. Nhiều tư thương ở chợ Bến Thành cũng có chè nhập từ Thái Nguyên bày bán. Bà Trần Thị Mỹ có cửa hàng khô trong chợ này cũng có chè Thái Nguyên bày bán trên sạp hàng. Bà cho biết: Ngày trước chủ yếu người gốc miền Bắc đến mua chè về uống, còn bây giờ, nhiều người miền Nam cũng đến mua chè về pha uống hằng ngày. Khách hàng thường chọn mua chè Thái Nguyên.

Trong giới kinh doanh chè ở T.P Hồ Chí Minh, 1 phụ nữ được "dân nghiền trà" nhắc đến nhiều nhất là chị Mộng Kiều, phường 4, Quận Tân Bình. Chỉ cần đưa chè qua trước mặt là chị đã có thể nhận biết được đó là chè vùng nào. Tuy có nhiều tư thương ngoài Bắc vào tiếp thị chè, song chị chọn hưóng kinh doanh chè Thái Nguyên. Do có nhiều năm kinh doanh sản phẩm này, nên chị có mối đặt hàng quen, chỉ cần bấm máy điện thoại, cần bao nhiêu sau vài ba ngày người trồng chè Thái Nguyên đã gửi vào bằng xe khách, còn tiền phí chuyển qua tài khoản.

Để phù hợp với nhu cầu của thực khách, chị Kiều bán nhiều loại sản phẩm chè khác nhau, như chè móc câu hảo hạng (450.000 đồng/kg), chè móc câu thường (350.000 đồng/kg), chè Tân Cương búp nõn (250.000 đồng/kg), chè búp lộc Tân Cương (220.000 đồng/kg)… được đóng gói trong bao bì hút chân không. Ngoài ra chị còn có các sản phẩm chè cao cấp như trà Tâm phúc, trà Tri ân và trà Tri kỷ… được đóng trong hộp vuông vắn với chất liệu gỗ mộc và giấy bồi, ngoài vỏ hộp được trang trí các hoa văn dân gian Việt Nam, vì thế người tiêu dùng có thể mua về uống hoặc mang biếu, tặng bạn bè. Còn với chị Trần Thị Hoa, có cửa hàng bán chè ở phường 25, quận Bình Thạnh đã tạo niềm tin với khách hàng bằng cách cho in trên bao bì đựng chè dòng chữ: "Sẽ hoàn lại 100% số tiền cho khách hàng nếu chè uống không đúng chất lượng như mẫu thử". Chị Hoa cũng là một trong số những người kinh doanh chè Tân Cương Thái Nguyên chính hiệu.

Thế mới hay dù ở xa vùng đất Thái Nguyên gần 2.000 km, nhưng cây chè của vùng đất thép Thái Nguyên vẫn làm bạn tri âm, tri kỷ của nhiều người. Ngay cả những tư thương tham gia kinh doanh chè Thái nguyên, dù chưa biết đến cây chè mọc trên đất Thái Nguyên như thế nào, nhưng trong kinh doanh, họ biết đó là loại trà ngon, nổi tiếng, được nhiều người ưa thích, nên trên mỗi gian hàng họ đều ghi rõ: "Chè Thái nguyên chính hiệu"… Là người Thái Nguyên, thấy biển hiệu như thế trong lòng tôi thấy gần gũi, tự hào lạ thường.

Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: