Trăn trở một làng chè
Chị Hoàng Thị Hiền Thục (bên trái) hướng dẫn cho xã viên thu hái chè theo đơn đặt hàng của người tiêu dùng. Trong ảnh: Sản phẩm chè của HTX Thiên Phú An được đóng gói hút chân không, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Ngồi nhẩn nha uống trà ở trụ sở UBND xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), anh Mai Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã đã cho chúng tôi biết: Trong những năm gần đây, đời sống của người trồng chè ở xã được cải thiện, nâng cao. Nhiều gia đình có tiền xây nhà biệt thự, mua xe ô tô bạc tỷ. Tiền bạc đều từ cây chè mà ra. Về mô hình làm ăn hiệu quả ở xã hiện nay, phải kể đến trường hợp chị Hoàng Thị Hiền Thục, xóm Nhà Thờ. Từ cuối năm 2013, chị Hiền Thục đã tập hợp được 12 hộ làm chè ở xóm để thành lập Hợp tác xã Thiên Phú An (HTX). Để giúp hộ xã viên ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập, chị thực hiện cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái và bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho xã viên.
Chị Hiền Thục, Chủ nhiệm HTX giải thích ý nghĩa của các tên “Thiên Phú An” là: Thiên nhiên ban tặng, phú cho vùng đất này điều kiện thổ nhưỡng khác biệt để cây chè phát triển. Từ lợi thế này, HTX đặt ra quy tắc phải luôn hướng tới người tiêu dùng bằng chính chất lượng chè an toàn… Tôi buột miệng: Cái tên: “Thiên Phú An” mộc mạc, nhưng lại sâu sắc, nồng hậu như hương vị chè trên vùng đất bên chân núi Guộc, được tắm tưới bằng dòng nước huyền thoại hồ Núi Cốc. Được biết: HTX Thiên Phú An chính thức “khai sinh” ngày 27-10-2013, trước ngày tỉnh tổ chức Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 2 năm 2013, đúng 13 ngày. Tuy cập rập, song HTX đã có sản phẩm chè tham gia. Rất mừng, tại Festival này, HTX được Ban Tổ chức trao Cúp Búp chè Vàng và Cúp Vàng về nghệ thuật pha trà. Trong suốt thời gian diễn ra Festival Trà, gian hàng của HTX Thiên Phú An luôn ấm cúng bởi khách vào thưởng ẩm, mua trà về làm quà. Chị Hiền Thục không giấu giếm: Dịp đó, HTX bán được hơn 3 tấn chè các loại, thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Cũng trong năm 2013, HTX còn được Viện Chất lượng Việt Nam trao tặng 2 Huy chương Vàng về chất lượng chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngồi uống nước trà, ngắm Cúp Vàng và những tấm Huy chương do cơ quan chức năng của Nhà nước trao tặng, sẽ ít ai biết được nữ Chủ nhiệm trẻ trung, nền nã vừa đầy 36 tuổi, đang ngồi đối diện với thực khách lại đã từng nếm trải mùi thất bại trong việc làm ăn. Trước khi thành lập HTX Thiên Phú An, chị cùng bạn bè tạo dựng 1 HTX chuyên bao tiêu sản phẩm chè cho nông dân. Vì trong Ban Chủ nhiệm HTX không thống nhất được nguyên tắc sản xuất, kinh doanh, dẫn đến “mỗi người một phách”, hiện tượng xào xáo chè phẩm cấp kém vào chè loại I xảy ra, người tiêu dùng mất niềm tin, quay lưng, HTX tan vỡ. Chị tâm sự: Tôi sinh ra ở vùng chè, hằng ngày bưng bát cơm bên chảo sao chè, lớn hơn chút nữa tôi đi vào các hộ sản xuất mua gom chè bán cho tư thương. Công việc buôn bán thuận lợi, song tôi thấy người trồng chè quê mình còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất, rồi khi có sản phẩm lại bị tư thương ép giá. Tôi suy nghĩ rất nhiều rồi quyết định đứng ra thành lập HTX, với mong muốn giúp mọi người tránh được những khó khăn thường gặp hằng ngày. Và lần thất bại ở HTX trước đã cho tôi một bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là việc phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Để làm ra được sản phẩm chè đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chị chỉ đạo cho các hộ xã viên thực hiện nghiêm khắc từng quy trình, như sử dụng phân bón vi sinh; sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học phòng trừ sâu bệnh hại. HTX tuyệt đối không sử dụng các loại phân hóa học, hóa chất kích thích để tăng năng suất và thời gian thu hái. Do vậy, hương chè Thiên Phú An nhanh chóng lan tỏa đến nhiều miền đất nước. Hiện HTX đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của người tiêu dùng, chủ yếu là các mặt sản phẩm chè: Tôm nõn, móc câu, trà gạo và chè đinh. Trong phục vụ người tiêu dùng, HTX năng động chế biến ra nhiều sản phẩm có mẫu mã khác nhau, phù hợp với khả năng kinh tế, thị hiếu của nhiều đối tượng, như từ chè đinh lại chia thành: Đinh Đinh trà và Đinh Tâm trà. Giá bán linh hoạt, chè móc câu 400.000 đồng/kg; tôm nõn 600.000 đồng/kg; Đinh Đinh trà và trà gạo giá 3 triệu đồng/kg, riêng Đinh tâm trà có giá bán 5 triệu đồng/kg. Điều đặc biệt là các sản phẩm trà Gạo và Đinh Tâm trà lại do nữ Chủ nhiệm HTX là tác giả.
Do làm chè theo đơn đặt hàng, nên hằng ngày chị phải thức dậy từ rất sớm, đi một lượt qua các đồi chè của HTX, xem lô chè nào cần bón phân, phun thuốc phòng sâu bệnh hại hoặc chỉ đạo xã viên thu hái theo yêu cầu của từng loại sản phẩm. Về đến nhà lại hướng dẫn cho xã viên chế biến, phân loại sản phẩm và đóng gói. Như thế, kể từ khâu chăm sóc, thu hái cho đến khi ra thành phẩm đều được chị trực tiếp giám sát, tránh được hiện tượng chè kém phẩm cấp mang độn lẫn với chè chất lượng cao. Vì thế, sản phẩm chè của HTX đến tay người tiêu dùng đúng chất lượng, đúng giá và bảo đảm an toàn. Theo dự kiến, năm 2014, HTX Thiên Phú An cung cấp cho thị trường khoảng 35 tấn chè các loại, đạt doanh thu khoảng 35 tỷ đồng.
Đời sống của xã viên được cải thiện, nâng cao, đây là mục đích chính của HTX Thiên Phú An. Chị Hiền Thục đã nói với chúng tôi như thế, rồi mau mải tự tay pha ấm đinh tâm trà mời khách.
Bên bàn, nghe tiếng chè bỏ ấm ròn tan, tiếng nước sôi réo ran, dậy hương quyến rũ. Vừa khi đó, tiếng chuông từ Nhà thờ xứ Tân Cương ngân lên, vọng xuống vùng chè. Tôi nhìn đồng hồ treo tường, đã 17 giờ, vừa hết một ngày lao động, vùng chè của HTX Thiên Phú An trở lại tĩnh lặng. Nhưng đây cũng là lúc nữ Chủ nhiệm thao thức, trăn trở với mong muốn tìm ra sản phẩm mới bằng chính cái tâm của người dân vùng chè.