Trở lại vùng tứ Tân

Cập nhật: Thứ hai 03/05/2021 - 07:30
 Phát huy những lợi thế từ rừng, nhiều hộ dân ở xã Tân Khánh đã mở xưởng bóc ván gỗ, ván dăm.
Phát huy những lợi thế từ rừng, nhiều hộ dân ở xã Tân Khánh đã mở xưởng bóc ván gỗ, ván dăm.

Những ngày cuối tháng tư, chúng tôi có dịp trở lại vùng “tứ Tân” của huyện Phú Bình (gồm các xã Tân Thành, Tân Kim, Tân Hòa, Tân Khánh). Đi trên những con đường bê tông phẳng phiu với 2 bên là san sát các ngôi nhà tầng khang trang, đẹp đẽ, xa xa là cánh đồng lúa, rừng keo xanh ngút mới thấy được sự đổi thay nhanh chóng của một vùng đất từng được coi là nghèo khó bậc nhất của huyện “thuần nông” này.

“Tứ Tân”, không ai biết rõ cái tên ấy hình thành từ khi nào và tại sao người dân lại gọi như vậy, bởi Phú Bình có đến 5 “Tân” (thêm xã Tân Đức). Phải chăng dựa vào vị trí và địa lý hành chính nên lâu nay, bà con vẫn thường “gói gọn” các xã Tân Thành, Tân Kim, Tân Hòa, Tân Khánh như vậy. 4 xã này đều có điểm chúng là người dân tộc thiểu số chiếm một phần không nhỏ (từ 40% trở lên). Dân cư chủ yếu làm nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai các chính sách, thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới… đã giúp người dân 4 xã trong vùng phát huy được lợi thế vốn có của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Ví như ở Tân Thành, địa phương có gần 70% dân cư là người dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 40% dân số vào năm 2015 thì trong những năm gần đây, xã đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Minh chứng là tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 9,98%. Là một trong những xã miền núi khó khăn, có diện tích đất rừng nhiều nhất huyện (trên 1.700ha) nên việc phát triển cây lâm nghiệp được Tân Thành coi là thế mạnh, cần tập trung khai thác. Hàng năm, xã vận động người dân đưa các giống keo cao sản vào trồng mới, trồng thay thế, qua đó độ che phủ rừng luôn đạt trên 40%. Kinh tế đồi rừng phát triển cũng kéo theo các lĩnh vực, ngành nghề khác gia tăng … Hiện, toàn xã có 19 xưởng ván chế biến gỗ, 100 cơ sở kinh doanh, dịch vụ vận tải, góp phần tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương.

Người dân xã Tân Hòa đã mạnh dạn đưa giống vật nuôi mới , có giá trị kinh tế cao như dê, hươu… vào chăn nuôi.

Không riêng Tân Thành, 3 xã còn lại cũng phát triển theo hướng gắn lợi ích kinh tế rừng với chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà thả đồi. Như xã Tân Khánh, xã hiện có 1 hợp tác xã và 5 tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp; 70 trang trại tổng hợp và 300 gia trại chăn nuôi gia cầm trên tổng diện tích 600ha đồi rừng. Phát huy tính năng động, sáng tạo, cần cù, trong những năm qua, bà con nông dân trong xã đã tăng mức thu nhập bình quân lên gấp 3,8 lần so với năm 2015 (hiện đạt 40 triệu đồng/người/năm). Các xã Tân Kim, Tân Hòa, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã hiện cũng đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.

Chị Ngô Thị Hưởng, người dân xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim (Phú Bình): Những năm gần đây hạ tầng giao thông được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, phát triển kinh tế. Bà con chúng tôi rất phấn khởi bởi vùng “tứ Tân” không còn khổ và khó như trước.

Việc những người dân nơi đây tận dụng địa hình đồi núi, tán cây để chăn thả gà đồi không chỉ tạo nên sinh kế hiệu quả mà còn góp phần tạo dựng thương hiệu của địa phương. Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu cho sản phẩm “Gà đồi Phú Bình”, đây là sản phẩm chăn nuôi đầu tiên của tỉnh được bảo hộ. Từ đó, phong trào nuôi gà đồi tại các xã miền núi, đặc biệt là vùng “tứ Tân” ngày càng phát triển, người dân cũng chủ động áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, theo hướng an toàn sinh học, VietGAP...

Nhìn vào những kết quả và diện mạo mới của các xã vùng “tứ Tân” hôm nay, có thể thấy rằng, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng cho người dân để khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển kinh tế. Cùng với đó, người dân cũng luôn chủ động, đổi mới tư duy để vươn lên làm giàu. Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Huyện sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã miền núi khó khăn, nhất là các công trình đường giao thông, cầu, nhà lớp học… Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, dự án nhằm giúp người dân được tiếp cận nhiều hơn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập.

Ngọc Ánh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: