Tự hào truyền thống Tiên Phong
Di tích lịch sử nhà cụ Ngô Hải Long, ở tổ dân phố Yên Trung, từng là nuôi giấu các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị... trong thời kỳ cách mạng 1939-1945. |
Từ một xã thuần nông với xuất phát điểm thấp, xã Tiên Phong - mảnh đất được chọn làm An toàn khu 2 trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã vươn mình trở thành phường thuộc TP. Phổ Yên. Miền quê nghèo đã “thay da đổi thịt” theo hướng hiện đại, nhưng những giá trị lịch sử vẫn được lưu giữ qua nhiều đời, trở thành niềm tự hào và tạo nên nét riêng cho Tiên Phong.
Để tìm hiểu về lịch sử của vùng đất Anh hùng Tiên Phong, chúng tôi tìm gặp ông Ngô Kim Phụng, ở tổ dân phố Yên Trung. Ông Phụng trước là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tiên Phong. Năm nay gần 70 tuổi nhưng ông vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn.
Bên Di tích Soi Quýt nằm cạnh sông Cầu trong xanh, ông Phụng say sưa kể: Soi Quýt trong kháng chiến chống thực dân Pháp được bao phủ bởi những cây quýt, trám, vải. Đối diện với Di tích, phía bên kia sông là Vân Xuyên (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) - nơi đặt Trạm liên lạc bí mật của Đảng. Vào đêm 20 rạng sáng ngày 21/11/1942, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh tổ chức lớp huấn luyện cán bộ ở Vân Xuyên, Hoàng Vân (Bắc Giang), bị giặc Pháp và tay sai vây bắt, đồng chí được hai bố con ông lão đánh cá đưa sang Soi Quýt thuộc đất Tiên Thù (nay là Tiên Phong). Tại đây, đồng chí được bảo vệ an toàn.
Di tích lịch sử Soi Quýt một trong những nơi liên lạc của Đảng thời kỳ 1939-1945.
Sau khi tham quan Di tích lịch sử Soi Quýt, ông Phụng dẫn chúng tôi đến thăm Di tích nhà cụ Ngô Hải Long nằm cách đó không xa. Ngôi nhà ba gian này vừa mới được Đảng, Nhà nước đầu tư kinh phí để sơn sửa khang trang hơn. Nơi đây chính là địa điểm làm việc của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị... trong thời kỳ hoạt động cách mạng từ năm 1939-1945.
Không chỉ nhà cụ Ngô Hải Long, ở tổ dân phố Yên Trung còn có nhà bà Hoàng Thị Úc lúc bấy giờ là địa điểm in Báo Cờ Giải phóng, tiền thân của Báo Nhân dân ngày nay; nhà cụ Lưu Thị Phận ở thôn Cổ Pháp, là nơi đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương VII tháng 11-1941. Với ý nghĩa đó, xã Tiên Phong (nay là phường Tiên Phong) đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp, Khu di tích lịch sử Tiên Phong đã được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1993.
Phát huy truyền thống Anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Tiên Phong đã nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, nỗ lực xây dựng quê hương ngày một phát triển. Ông Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy phường, cho biết: Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; mở rộng quy hoạch các làng nghề phát triển tiểu thủ công nghiệp và giúp người dân từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ để nâng cao thu nhập.
Kết quả, đến nay, tỷ lệ đường giao thông của phường được cứng hóa đạt trên 90%; toàn phường có trên 1.108 cơ sở xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất, kinh doanh dịch vụ; 1 siêu thị điện máy và 1 công ty may xuất khẩu. Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương tăng trung bình 15%/năm; số hộ nghèo giảm chỉ còn 189 hộ.
Tiên Phong cũng là một trong những địa phương có nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, TP. Phổ Yên triển khai trên địa bàn, như: Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (quy mô trên 150ha); Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung (quy mô trên 130ha)... Sau khi các dự án đi vào hoạt động sẽ nâng tầm diện mạo địa phương và mở ra thêm nhiều cơ hội cho người dân phát triển kinh tế - xã hội.