Về vùng du lịch sinh thái - chè Vô Tranh
Cán bộ nhân dân xã Vô Tranh (Phú Lương) trao đổi kinh nghiệm sản xuất chè an toàn |
Trước ngày khai mạc Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013, chúng tôi về Vô Tranh (Phú Lương), một vùng quê được Ban tổ chức Festival Trà của tỉnh lựa chọn làm điểm đến trong các tuor du lịch sinh thái. Về đây, ngay từ giây phút đầu tiên chúng tôi đã cảm nhận được một không khí trong lành, khung cảnh đẹp mắt, thơ mộng của những dải núi Trà Lầu, núi Lim, núi Đồng Vàng và lô nhô đồi bát úp, tròn trịa căng tràn sức sống bởi màu xanh mỡ màng của những nương chè soi bóng bên dòng sông Giang Tiên và sông Cầu.
Lúc chúng tôi đang nhẩn nha ngắm nhìn những nương chè, thì từ ngôi nhà xây mái bằng 3 gian kiến trúc theo lối cổ, cụ Bùi Văn Hoàn, 84 tuổi, xóm Liên Hồng 8 tay chống gậy trúc đầu rồng, thong thả bước tới. Cụ bảo: Ngày xưa, cả vùng này là rừng, sau đó những người miền xuôi lên khai hoang vỡ hoá, lấy đất trồng chè… Qua câu chuyện của cụ chúng tôi còn được biết: Hơn 50 năm về trước, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, những trai thanh, nữ tú từ miền xuôi lên đây cùng chung sức lập làng. Dấu ấn còn đọng lại cho đến bây giờ hiển hiện ở ngay từng xóm. Ví như xóm Tân Bình 1, Tân Bình 2, Tân Bình 3, Tân Bình 4 chủ yếu là người gốc Hà Tây (Hà Nội); xóm Bình Long chủ yếu người gốc Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Nam Hà… Cụ Lều Thị Nhạn, xóm Liên Hồng 8 kể: Trước những năm 1960, vùng đất Vô Tranh dân thưa, cả xã chỉ có khoảng 250 nóc nhà. Bấy giờ người dân vùng này đã trồng chè để uống, hoặc lấy lá tắm cho trẻ nhỏ. Còn từ sau năm 1960, Vô Tranh có HTX trồng chè, xã viên đi trồng chè được hỗ trợ gạo ăn. Vì thế cả vùng đất Vô Tranh dần chuyển sang hướng làm ăn mới, lấy cây chè làm cây kinh tế chủ đạo.
Do hợp thổ nhưỡng, hạt chè đặt xuống, mầm nẩy, chỉ 3 năm sau đã phát tán rộng, búp nhiều, đời sống của người dân cũng nhanh chóng ổn định hơn. Song cây chè ở Vô Tranh cũng lắm phen lận đận, bởi một dạo chè ế ẩm, nhiều người dân đã tự phá đất đi để trồng thế vào đó các loại cây ăn quả là mơ lai, hồng không hạt và cây vải thiều. Mỗi lần chuyển đổi cây trồng, 1 lần người dân Vô Tranh phải trả "học phí" đắt để sau đó quay trở lại với cây chè. Đồng chí Nguyễn Đức Khuê, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Xã Vô Tranh hiện có 2.400 hộ, 8.600 nhân khẩu, 25 xóm, hơn 90% dân số của xóm sinh sống nhờ cây chè. Với 680 ha chè, trong đó có 625 ha chè kinh doanh, năng suất đạt hơn 90 tạ/ha, sản lượng chè búp khô năm 2012 đạt 1.214 tấn. Năm 2013, do nông dân có hướng đầu tư tích cực hơn cho cây chè, năng suất dự ước đạt gần 100 tạ/ha, sản lượng chè búp khô ước đạt 1.500 tấn/năm, tương đương với số tiền 150 tỉ đồng. Có mặt ở đó, đồng chí Ngô Chí Đức, Phó Bí thư Thường Trực Đảng uỷ xã cho biết thêm: Từ hơn 10 năm nay, người dân xã Vô Tranh đã từng bước chuyển đổi, trồng thay thế cây chè cành giống mới cho năng suất, chất lượng cao thay thế cho diện tích chè già cỗi, năng suất thấp. Dự ước toàn xã đến năm 2013 này đã trồng thay thế được hơn 50% diện tích chè giống mới, chủ yếu giống Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Thuý Ngọc…
Cụ Nguyễn Thị Thẩm, 77 tuổi, xóm Tân Bình 2 thường nói với các con cháu: Người Vô Tranh nhắm mắt vào nằm mơ thấy cây chè, sáng dậy thấy trước nhà độc những lạch chè. Cây chè gần gũi với mọi người như hơi thở, cho người trồng chè bát cơm, vì thế con cháu Vô Tranh phải biết chăm lo cho cây chè phát triển hơn nữa… Ngồi bên ấm trà, nhấp từng ngụm nước mang theo hơi khói mỏng tang, tôi thấy cụ nói mộc mạc mà sắc đậm như vị chát đắng mà ngọt hậu của trà. Có lẽ từ ý nguyện của cụ Thẩm cũng như của tất cả những người trồng chè xã Vô Tranh, từ năm 2008, UBND xã đã có văn bản đề xuất với UBND huyện Phú Lương và Sở Khoa học - Công nghệ về việc xây dựng thương hiệu Chè Vô Tranh. Trong khi chưa được công nhận thương hiệu, cán bộ, nhân dân trong xã đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất mới vào quá trình trồng, chế biến chè, như việc người dân mua máy vò, máy xấy chè bằng inox thay máy tôn; doanh nghiệp Thanh Thanh Trà, HTX chè Vô Tranh và nhiều hộ dân trồng chè đã mua sắm được máy đóng gói hút chân không. Để giảm sức lao động, nhiều hộ đầu tư giàn tưới chè như gia đình ông Đặng Văn Liên, xóm 7; ông Đinh Quốc Văn, xóm Trung Thành 1; bà Nguyễn Thị Cham, xóm Thống Nhất 3... các hộ này đạt thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ chè.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Sáng, xóm Bình Long chia sẻ: Nông dân trong xã nhận thức rõ rằng, đạt được thương hiệu hoặc không đều ở chính người trồng chè. Vì thế bà con luôn có ý thức động viên nhau không làm ẩu, khách hàng sẽ là trọng tài công tâm nhất. Rất vui, năm 2009, xã được cơ quan chức năng Nhà nước có Quyết định công nhận 4 làng nghề là: Tân Bình, Toàn Thắng, Bình Long và Thành Công. Đến năm 2010, cán bộ, nhân dân trong xã được cán bộ Sở Khoa học - Công nghệ về mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, sản xuất, chế biến chè an toàn. Như được tiếp thêm niềm tin, người trồng chè Vô Tranh đã từng bước nâng cao được chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm chè, từ hơn 50.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg chè búp móc câu. Thay vì trước đây mang ra chợ bán, từ 3 năm nay tư thương đã vào tận nhà người trống chè đặt hàng, trả tiền trước. Và tháng 3-2013, xã chính thức nhận được Quyết định chứng nhận nhãn hiệu chè tập thể Vô Tranh do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp...
Vô Tranh cũng như những vùng chè của Thái Nguyên đang thức dậy chào đón Festival lần thứ 2. Không ồn ào, song nồng ấm bởi tình người xứ trà mến khách. Mỗi người dân Vô Tranh đều có thể trở thành 1 hướng dẫn viên đưa khách đi thăm quan nương chè, biểu diễn nghệ thuật thu hái, chế biến chè và nghệ thuật thưởng trà theo phong cách thuần Việt. Nhớ lại Festival lần thứ nhất năm 2011, người trồng chè Vô Tranh giành được 1 giải Bàn tay vàng; 2 giải Bạc và 1 giải khuyến khích về chất lượng chè. Festival lần thứ hai năm 2013, ngoài việc cử đội tham gia cuộc thi "Bàn tay vàng" tại Lễ hội Văn hoá Trà, các làng nghề ở Vô Tranh còn xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm chè; xây dựng mô hình lô chè đẹp đón khách tham quan.