“Cầm tay, chỉ việc” giúp nông dân làm giàu
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên hướng dẫn người dân cách chăm sóc vườn Nho hạ đen. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Thái Nguyên trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình trình diễn. Từ đó, góp phần hình thành và lan tỏa những phương thức sản xuất tiến bộ, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Giữa những ngày nắng tháng 8, khu vườn trồng Nho hạ đen rộng 500m2 của gia đình chị Dương Thị Ngát, ở xóm Cậy, xã Huống Thượng vẫn có khá nhiều du đến tham quan. Hầu hết du khách đến đây vì muốn chiêm ngưỡng, “check-in” tại khu vườn xanh ngát với những chùm nho sai trĩu quả - một khung cảnh trước nay ít có tại Thái Nguyên.
Sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm, vườn Nho hạ đen của gia đình chị Ngát đã cho thu hoạch vụ quả thứ 2, với chất lượng quả thơm ngon, vị ngọt sắc. Năng suất ước tính khoảng 6 tạ quả/150 cây. Với giá thị trường như hiện nay, gia đình chị Ngát đạt doanh thu khoảng 70 triệu đồng từ vườn Nho hạ đen.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, gia đình chị Ngát chỉ là một trong số những mô hình trồng Nho hạ đen đang được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên triển khai trên địa bàn. Tham gia mô hình này, các hộ được hỗ trợ 60% giá giống và 40% giá các loại vật tư làm giàn, phân bón. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, các cán bộ của Trung tâm cũng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Còn đối với mô hình nuôi lợn rừng của gia đình ông Nguyễn Ngọc Cường, ở xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng, điểm đặc biệt nhất trong kỹ thuật chăn nuôi là sử dụng phương pháp lên men thức ăn cho vật nuôi. Với phương pháp này, hầu như ông Cường không dùng cám công nghiệp mà tận dụng triệt để các loại rau, chuối, bã đậu được ủ bằng men vi sinh, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo độ an toàn cho thức ăn.
Chính vì vậy, đàn lợn rừng gồm 5 con nái của ông luôn phát triển khỏe mạnh, mỗi năm cho sinh sản đều đặn 2 lứa. Nhiều năm qua, gia đình ông Cường duy trì doanh thu khoảng 300 triệu đồng/năm. Ông Cường cho hay: Được sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố, tôi biết cách ủ thức ăn cho lợn rất đơn giản và hiệu quả. Tôi thấy nguồn thức ăn cho lợn rừng trên địa bàn TP. Thái Nguyên cũng dễ kiếm, dễ tìm và giá thành thấp. Chính vì vậy, đầu tư nuôi lợn rừng rất thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với 2 mô hình trên, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên còn triển khai nhiều mô hình khuyến nông. Như: Trồng hoa sen với diện tích 0,7ha tại các xã: Tân Cương, Quyết Thắng, Phúc Xuân; nhân rộng mô hình trồng Nho hạ đen, Nho mẫu đơn lên tổng diện tích 1,6ha; nuôi cá rô đồng đầu vuông, ba ba trơn thương phẩm, tôm càng xanh đực trong ao với quy mô trên 70.000 con tại các xã, phường: Thịnh Đán, Quyết Thắng, Phúc Xuân, Phúc Trìu; trồng chè trung du giống mới, sản xuất chè theo hướng hữu cơ...
Để triển khai hiệu quả các mô hình khuyến nông, từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm phối hợp với các xã, phường tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng, kỹ thuật tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm; phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức 3 lớp đào tạo cho 90 lượt cán bộ kỹ thuật về lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
Ông Vũ Công Định, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên, cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ đề xuất với Sở Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành hướng dẫn về các giải pháp kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và triển khai đến bà con nông dân. Đồng thời, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh, thành phố có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, góp phần khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình này nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và cải thiện thu nhập.