Bảo hiểm thất nghiệp: Nhiều lợi ích cho người lao động
Cán bộ BHXH tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc chấp hành tham gia BHXH, BHTN tại Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Thái Nguyên. |
Hơn 5.800 đơn vị, gần 356.000 người lao động (NLĐ) được giảm đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022. Đặc biệt, hơn 2 năm gần đây, Quỹ BHTN đã chi gần 1.090 tỷ đồng hỗ trợ gần 202.000 NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành phố thực hiện chi trả đạt 100% số NLĐ nộp đề nghị hưởng hỗ trợ đúng thời hạn.
Dịch COVID-19 có ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường lao động. Các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội trực tiếp làm gia tăng sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho NLĐ. Hệ lụy là tỷ lệ NLĐ trong độ tuổi bị thất nghiệp tăng, từ 1,61% năm 2019, lên 1,7% năm 2020.
Đến năm 2021, tỉnh đã có nhiều giải pháp linh hoạt phù hợp với tình hình dịch bệnh, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi, ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có sự vận dụng hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy, thị trường lao động Thái Nguyên từng bước phục hồi, đến năm 2021, tỷ lệ NLĐ thất nghiệp giảm còn 1,57%.
Theo đánh giá sơ bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về đời sống NLĐ đang làm việc tại gần 5.000 doanh nghiệp năm 2021: Tiền lương bình quân của NLĐ trong khu vực doanh nghiệp đạt bình quân hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng, Trong đó: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 100% vốn nhà nước đạt bình quân hơn 7,9 triệu đồng/người/tháng; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước đạt bình quân hơn 11 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp dân doanh đạt bình quân hơn 7,5 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt bình quân gần 8,3 triệu đồng/người/tháng.
Hầu hết doanh nghiệp đã thực hiện tham gia các bảo hiểm cho NLĐ, với gần 215.000 NLĐ tham gia BHXH. Riêng BHTN có hơn 204.000 NLĐ tham gia, với tổng số tiền hơn 324 tỷ đồng. Trong đó, gần 23.000 người có thời gian đóng dưới 12 tháng; gần 77.000 người có thời gian đóng từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng; gần 42.000 người có thời gian đóng từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng; hơn 18.000 người có thời gian đóng từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng; gần 12.000 người có thời gian đóng từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng; hơn 30.000 người có thời gian đóng từ đủ 132 tháng trở lên.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ 2 năm trước đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phải hoạt động cầm chừng. Nhiều doanh nghiệp phải tổ chức cho NLĐ nghỉ việc luân phiên, thậm chí cho nghỉ chờ đến khi có việc thì gọi đi làm. Nhiều doanh nghiệp mất cân đối sản xuất, sản phẩm tồn đọng dẫn đến phải nợ lương NLĐ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không có khả năng đóng các loại bảo hiểm đúng hạn cho NLĐ.
Cụ thể, năm 2021 toàn tỉnh có 837 đơn vị chậm đóng BHXH cho hơn 13.800 NLĐ, với tổng số tiền nợ bảo hiểm gần 54 tỷ đồng. Đến hết 9 tháng năm 2022, trên toàn tỉnh có hơn 2.000 đơn vị chậm đóng BHXH, với tổng số tiền nợ gần 153 tỷ đồng.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và NLĐ, Thái Nguyên tích cực triển khai, thực hiện đầy đủ, chính xác các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho đối tượng thụ hưởng.
Theo số liệu tổng hợp của BHXH tỉnh Thái Nguyên: Từ tháng 10-2021 đến tháng 10-2022, trên địa bàn tỉnh có 5.822 đơn vị, gần 356.000 NLĐ được giảm đóng quỹ BHTN (bao gồm cả doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước), với tổng số tiền hơn 128 tỷ đồng.
Riêng 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh có 2.818 đơn vị, với gần 177.000 NLĐ được giảm đóng quỹ BHTN, với tổng số tiền giảm đóng gần 97 tỷ đồng. Cùng thời gian trên, toàn tỉnh có gần 491.000 NLĐ được nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN, với tổng số tiền hỗ trợ gần 49 tỷ đồng, trong đó năm 2021 có gần 202.000 NLĐ được nhận hỗ trợ, với tổng số tiền gần 485 tỷ đồng. Đến hết 9 tháng năm 2022, có 289 NLĐ đã được hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN, với tổng số tiền hơn 605 triệu đồng.
Chính sách BHTN đã phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Nhất là vào các thời điểm khó khăn, chính sách này càng thể hiện rõ tính ưu việt, ngoài chia sẻ gánh nặng kinh tế với doanh nghiệp, BHTN trực tiếp giúp NLĐ có nguồn tài chính nhất định để ổn định cuộc sống trước mắt trong khi chờ đợi có việc làm mới. Hơn nữa, chính sách BHTN còn giúp NLĐ có cơ hội được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, từ đó tìm kiếm nghề nghiệp mới, công việc làm mới phù hợp với năng lực của bản thân.