Khó chuyển đổi nghề nghiệp sau thu hồi đất
Một bộ phận người dân do tuổi đã cao nên hạn chế khả năng thích ứng trước những biến đổi về việc làm sau khi Nhà nước thu hồi đất. |
Hằng năm, TP. Sông Công có hàng chục hecta đất của nhiều hộ dân bị thu hồi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn chung, cuộc sống của bà con sau thu hồi đất cơ bản được đảm bảo và cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Họ đang loay hoay với cuộc sống mới.
Để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Sông Công II, hàng trăm hộ dân của xã Tân Quang bị thu hồi đất đã được bố trí nơi ở mới tại Khu tái định cư Tân Tiến. Tuy vậy, dù được triển khai từ năm 2018, song đến nay, khu tái định cư này mới chỉ có khoảng 100 hộ dân đến làm nhà ở. Nguyên nhân là do hạ tầng nơi đây chưa được hoàn thiện. Thêm nữa, việc chuyển đổi nghề nghiệp của bà con khi đến nơi ở mới cũng gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử như trường hợp của anh Phạm Văn Trọng. Toàn bộ số tiền đền bù 1,9 tỷ đồng đã được gia đình anh "dồn" để xây dựng nhà ở tại khu tái định cư. Dù nơi ở mới khang trang hơn trước, song ruộng đất không còn, bản thân anh Trọng chưa có việc làm ổn định nên các chi phí sinh hoạt hằng ngày phần lớn trông vào đồng lương làm công nhân của vợ. Cuộc sống khó khăn, vợ chồng anh đã tính đến việc bán nhà để trang trải. Nhưng anh Trọng băn khoăn, dù bán nhà thì cuộc sống cũng chưa chắc được cải thiện. Bởi, vấn đề việc làm hiện nay rất khó khăn, anh đã quá tuổi để được tuyển dụng vào các công ty, nhà máy.
Còn tại xã Bá Xuyên, để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Bá Xuyên, trên 350 hộ dân có đất bị thu hồi với khoảng 700 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Ông Đỗ Trọng Lư, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Qua tìm hiểu của địa phương, một số người dân đang rơi vào cảnh chưa xây xong nhà đã hết tiền. Phần lớn họ đều chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi nghề nghiệp, các khoản tiền được đền bù chủ yếu dùng vào việc xây dựng nhà ở, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại mà chưa tính toán kỹ lưỡng, lâu dài cho việc tìm kế sinh nhai.
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Sông Công, trong 5 năm gần đây (2016-2021), địa phương có trên 500ha đất bị thu hồi, với hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Kéo theo đó là những lúng túng, hạn chế trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm đã khiến cuộc sống của một số hộ còn khó khăn, chưa thực sự đảm bảo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Sông Công, cho rằng: Có thực tế này là do người nông dân chưa quan tâm đến việc học nghề. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa trên địa bàn thành phố những năm gần đây diễn ra nhanh chóng, khiến người dân chưa kịp thích ứng. Mặt khác, độ tuổi của một bộ phận người dân có đất bị thu hồi đã cao, từ đó, hạn chế khả năng thích ứng trước những thay đổi về việc làm. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khi tuyển dụng lao động đều ưu tiên nhận người trẻ, có sức khỏe. Từ thực tế trên, khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cùng với triển khai kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân được giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, hằng năm, TP. Sông Công cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ các hộ dân bị thu hồi đất, như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ; khuyến khích, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với xu thế thị trường.
Đặc biệt, 2 năm gần đây, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã phối hợp thực hiện có hiệu quả các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về nấu ăn, trồng trọt cho trên 400 học viên. Sau khóa đào tạo, hầu hết học viên đều tìm được việc làm phù hợp tại các bếp ăn tập thể của nhà máy, xí nghiệp và trường học trên địa bàn hoặc tự mở cở sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, thích ứng với xu thế nông nghiệp đô thị…
Theo kế hoạch, đến năm 2025, TP. Sông Công có khoảng 400ha đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện các dự án. Do vậy, bài toán giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất vẫn rất cần được quan tâm, triển khai phù hợp, có hiệu quả. Cùng với việc bố trí các khu tái định cư, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền các cấp cũng cần có những định hướng, tư vấn để nguời dân sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số tiền được hỗ trợ bồi thường để giúp cuộc sống ổn định, bền vững. Mặt khác, mỗi người dân cũng cần thay đổi tư duy, chủ động trong tìm kiếm việc làm phù hợp với thực tế, bắt nhịp với xu thế hiện nay.