Lợi ích kép từ gắn kết đào tạo nghề
Hầu hết học viên các lớp may công nghiệp có việc làm ngay sau tốt nghiệp. |
Sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp mang lại lợi ích kép cho cả 2 phía. Nhờ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo có điều kiện về thiết bị máy móc cho học viên thực hành. Ngược lại, doanh nghiệp giải được “cơn khát” nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự gắn kết chặt chẽ không chỉ đáp ứng cung - cầu trong thị trường lao động, còn là giải pháp tạo dựng thương hiệu cho cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 50 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 37 cơ sở công lập, 13 cơ sở ngoài công lập, với tổng quy mô tuyển sinh hơn 45.000 người/năm. Để nâng cao chất lượng đào tạo, hầu hết các cơ sở đào tạo nghề thực hiện chủ trương liên kiết với doanh nghiệp, bằng phương châm: Hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Đặc biệt, từ nhiều năm gần đây, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia liên kết đào tạo nghề, ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương sau đào tạo. Điển hình là bản thỏa thuận với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam về phát triển Dự án “Sản xuất điện thoại di động”. Theo đó, các sở, ngành liên quan cũng đã phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề và tuyển dụng lao động theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và tỉnh.
Hầu hết các cơ sở đào tạo nghề đã ký biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc đưa học viên đến thực tập nghề và phối hợp giải quyết việc làm cho học viên sau đào tạo. Theo số liệu tổng hợp của Phòng Dạy nghề (Sở Lao động - TB&XH): Đã có hơn 200 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh ký kết hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề đứng chân trên địa bàn tỉnh. Từ 3 năm gần đây, các cơ sở đào tạo nghề đã cung ứng hơn 2.000 lao động cho các doanh nghiệp/năm. Còn với doanh nghiệp, ngoài việc mở cửa đón nhận học viên đến thực hành nghề, còn tổ chức cho học viên tham gia sản xuất theo ca, nhóm. Tạo thuận lợi cho học viên được tiếp cận trực tiếp với các thiết bị máy móc hiện đại. Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ cho học viên về nơi ăn, ở, đi lại trong thời gian thực tập và tiền công theo sản phẩm.
Nhờ doanh nghiệp tiếp nhận, hướng dẫn thực hành, các học viên có cơ hội ứng dụng kiến thức sách vở vào thực tế sản xuất, tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội và hòa nhập tốt với môi trường làm việc. Qua môi trường làm việc thực tế cũng dần hình thành tác phong công nghiệp cho học viên, nhất là ở thời đại công nghiệp 4.0.
Trong đào tạo nghề, thực hành là cực kỳ quan trọng, nhưng hầu hết các cơ sở đào tạo không đủ năng lực kinh tế cho đầu tư, mua sắm, lắp đặt phòng thực hành cho học viên. Cũng vì thế mà dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp trở thành môi trường lý tưởng để học viên được tiếp cận với các thiết bị công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại.
Việc gắn kết, hợp tác trong đào tạo nghề tạo ra lực lượng lao động chất lượng. Học viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay, còn doanh nghiệp có được nguồn nhân lực phù hợp với các vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Điển hình trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phải kể đến các đơn vị như: Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên); Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức; Trường Cao đẳng Cơ khí Luyện kim... hằng năm chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp lên phương án xét tuyển học viên, xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình theo từng modun, môn học, bài giảng chi tiết, mô hình học cụ, tạo thuận lợi cho học viên tiếp thu kiến thức hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và phù hợp với từng giai đoạn. Do nội dung, phương pháp đào tạo luôn được đổi mới, phù hợp về khối lượng kiến thức cũng như xu hướng mới của thị trường lao động nên chất lượng đào tạo nghề không ngừng được nâng cao, bảo đảm đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Được thực học, thực hành, cánh cửa lập nghiệp cho học viên cũng mở ra rộng hơn. Chính vì thế mà ngay sau tốt nghiệp, nhiều học viên đăng ký học nghề theo các chương trình gắn kết đào tạo được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc.
Còn học viên theo học nghề ngoài chương trình gắn kết cũng có tay nghề vững, tự tin khởi nghiệp. Sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực lao động của tỉnh. Tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề tăng nhanh, từ 58% đầu năm 2016 lên 70% đầu năm 2021. Lao động có văn bằng, chứng chỉ nghề tăng từ 25% năm 2016 lên 31% năm 2021.
Trong xu thế hội nhập ngày nay, sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nghề là một trong những điểm tựa vững chãi, mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Bản thân người lao động cũng được trang bị đầy đủ hơn về kiến thức, kinh nghiệm thực tế và tác phong công nghiệp. Với người lao động, không có gì hạnh phúc hơn là có công việc làm ổn định, nhất là với đội ngũ lao động trẻ.