Nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân dân tộc thiểu số
Công an huyện Phú Bình tuyên truyền về phòng tránh tội phạm lừa đảo công nghệ cao cho công nhân Khu công nghiệp Điềm Thụy. |
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động (NLĐ), nhất là NLĐ dân tộc thiểu số là một trong những nội dung được các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh quan tâm phối hợp thực hiện. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho NLĐ, giúp họ phòng tránh được những hình thức lừa đảo chiếm đoạn tài sản.
Cách đây 5 tháng, em Dương Thị Sải, sinh năm 2004, dân tộc Mông ở xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), vào làm công nhân tại Công ty KHVATEC HANOI thuộc Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình). Xuống làm việc mới được một thời gian ngắn, còn chưa quen với cuộc sống mới thì em Sải được một người lạ gọi điện thoại bảo phải chuyển 6 triệu đồng cho họ, nếu không thì điện thoại sẽ bị khóa, nhưng rất may em đã không làm theo.
Em Dương Thị Sải nói: “Nhờ được tham gia buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật do công đoàn tổ chức, biết đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên em từ chối luôn”.
Hoàng Văn Tùng, dân tộc Nùng, ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An (Cao bằng), hiện cũng làm công nhân tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, cho biết: Trước đây em chỉ nghe nói về các hình thức lừa đảo chứ chưa tìm hiểu cụ thể. Khi được tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hiểu kỹ hơn từng hình thức và thủ đoạn lừa đảo nên em chủ động phòng tránh.
Em Sải và Tùng là 2 trong số hàng nghìn NLĐ là đồng bào dân tộc thiểu số đang làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Toàn tỉnh hiện có trên 160.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó có nhiều người là người dân tộc thiểu số, đến từ những nơi vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Trước tình hình tội phạm lừa đảo nhắm vào NLĐ ngày càng phức tạp tại nhiều nơi, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phố biến pháp luật.
Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, chia sẻ: Đời sống của nhiều công nhân trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, nhất là công nhân là người dân tộc thiểu số. Ngoài phối hợp với các ngành chức năng trực tiếp tuyên truyền đến NLĐ, Liên đoàn Lao động tỉnh còn chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trong đó chú trọng đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền để NLĐ dễ nhớ, dễ hiểu.
Đơn cử như Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, một trong những công đoàn ngành có số lượng đoàn viên lớn với trên 19.000 đoàn viên, vì thế cùng với việc chú trọng tuyên truyền các văn bản liên quan đến đời sống, việc làm của NLĐ, Công đoàn còn tăng cường tuyên truyền về việc phòng tránh các tệ nạn xã hội.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, cho biết: Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Công đoàn đã xây dựng kế hoạch hoạt động từng năm, từng quý và từng tháng. Hàng năm, có trên 90% NLĐ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các lớp tập huấn, tọa đàm, hội nghị và trên mạng xã hội. Riêng nửa đầu năm nay, chúng tôi đã tổ chức được 10 cuộc tuyên truyền cho trên 3.000 NLĐ, giúp NLĐ nâng cao hiểu biết về pháp luật, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức để phòng tránh được những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.