Nhiều giải pháp hỗ trợ tuyển dụng lao động vào khu công nghiệp
Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar tại KCN Yên Bình (Phổ Yên) đang tạo việc làm cho trên 2.000 lao động. |
Cùng với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) những ngày đầu năm tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường. Nhiều DN đã bắt tay vào mở rộng sản xuất và có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động vào làm việc. Tuy nhiên, do tâm lý người lao động còn lo dịch bệnh nên việc tuyển dụng thời điểm này đang gặp nhiều khó khăn…
Sau những ngày nghỉ Tết, trên 95% lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại với công việc. Đây là tín hiệu vui, tích cực của Thái Nguyên, bởi nhiều tỉnh, thành khác đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều DN vẫn gặp khó trong tuyển dụng lao động mới.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh khẳng định: “Lao động tại các khu công nghiệp quay lại làm việc chiếm tỷ lệ khá cao, do đó không có tình trạng thiếu hụt lượng lớn lao động sau Tết. Những doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau Tết chủ yếu nhằm phục vụ mục tiêu mở rộng sản xuất”.
Tìm hiểu thực tế tại Công ty TNHH Wiha Việt Nam – doanh nghiệp chuyên sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay ở Khu công nghiệp Sông Công (T.P Sông Công), chúng tôi được chị Vũ Thị Kim Ngân, Trưởng Phòng Nhân sự, cho biết: Kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty có 30-40 lao động nghỉ việc, tạm thời nghỉ việc (chiếm khoảng 10% tổng số). Trong khi đó, Công ty phải mở rộng quy mô sản xuất do có nhiều đơn hàng. Vì thế, chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng mới khoảng 100 lao động làm việc tại xưởng gia công cơ khí. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ tuyển được khoảng 20 lao động.
Tương tự, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH RFtech ở Khu công nghiệp Điềm Thụy, chia sẻ: Trước Tết, Công ty duy trì đủ 100% lao động, tương đương khoảng 2.000 người. Sau Tết, tỷ lệ lao động trở lại làm việc chỉ còn 80-85% do nhiều người đã trở thành F0, F1 đang phải chữa trị, cách ly y tế nên nghỉ việc tạm thời. Công việc không thể trì hoãn, số lượng đơn hàng lại lớn và gấp nên Công ty cần tuyển thêm 400 lao động vào làm việc. Để tuyển dụng số lao động này, đơn vị đã đăng tải thông tin trên các website tuyển dụng việc làm, mạng xã hội; dán thông báo, phát tờ rơi; ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn, tuyển dụng lao động; hỗ trợ 200 nghìn cho một lao động của đơn vị khi giới thiệu, tìm kiếm thêm được 1 lao động mới. Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng đến nay Công ty vẫn chưa tuyển dụng đủ số lao động cần thiết.
Qua tìm hiểu tại các DN, chúng tôi được biết trước khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, các doanh nghiệp yêu cầu 100% người lao động khai báo cụ thể quá trình di chuyển trong dịp Tết, thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 có kết quả âm tính mới được vào làm việc, còn các trường hợp F0, F1 phải cách ly y tế theo quy định.
Công ty TNHH Samju Vina tại KCN Điềm Thụy là một trong các vendor lớn của Samsung Thái Nguyên. Công ty chuyên sản xuất và gia công các phụ kiện cho xe ô tô, điện thoại di động và các thiết bị điện tử.
Trong khi đó, nhiều DN lại đang có nhu cầu mở rộng sản xuất, đáp ứng đơn hàng nên rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Ở góc độ khác, do thu nhập của người lao động tại một số DN ở cùng ngành nghề, lĩnh vực có sự chênh lệch từ 1-2 triệu đồng/người/tháng nên một số lao động đã “nhảy” việc.
Để tháo gỡ khó khăn do thiếu nguồn nhân lực, các DN này buộc phải thực hiện chế độ tăng ca, tăng thời gian làm việc của người lao động hoặc xin giãn tiến độ giao hàng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề tuyển dụng nguồn nhân lực những ngày đầu năm, ông Bùi Tiến Đạt, Trưởng Phòng Thông tin thị trường việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Hiện tại, thông qua kênh tuyển dụng của chúng tôi, các DN trong, ngoài KCN của tỉnh và các tỉnh lân cận đang có nhu cầu tuyển dụng trên 19.000 lao động. Tuy nhiên, hiện nay, do tác động của dịch COVID-19 nên việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn.
Người lao động vẫn còn tâm lý e ngại, lo sợ khi đi làm, nhất là tại các KCN tập trung đông người; nhiều đơn vị, DN không thể xuống tận các địa phương để tuyển dụng lao động…
Để tháo gỡ khó khăn, ngay trong tháng đầu năm này, Trung tâm sẽ hỗ trợ, phối hợp cùng DN tăng cường các biện pháp kết nối cung cầu lao động giữa DN và NLĐ như: Tổ chức tuyển dụng lao động bằng hình thức trực tuyến, phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí phổ biến, giới thiệu thông tin về thị trường lao động tới người dân; phối hợp, liên kết với các trung tâm dịch vụ việc làm khu vực phía Bắc tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến để kích cầu việc làm đối với người lao động. Trung tâm cũng đề nghị các DN áp dụng các giải pháp về chính sách tiền lương, phúc lợi lao động… Ông Bùi Tiến Đạt cho biết thêm.
Hy vọng, sau khi áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt vừa thích ứng với tình hình mới, vừa đảm bảo chống dịch, trong đó, việc sử dụng mạng xã hội, các nền tảng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, thị trường lao động sau Tết tiếp tục có những chuyển biến tích cực, sôi động trở lại.