Nỗ lực duy trì xuất khẩu lao động
Những năm gần đây, Hàn Quốc là thị trường tiềm năng được nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Trong ảnh: Anh Mai Văn Tú (công dân xã Bộc Nhiêu, Định Hóa) đang làm việc cho một doanh nghiệp tại Hàn Quốc. |
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế nói chung. Những năm gần đây, Thái Nguyên có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, kết nối, thúc đẩy XKLĐ và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Là xã vùng núi còn gặp nhiều khó khăn, những năm gần đây, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) đặc biệt quan tâm đến công tác XKLĐ. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã là tổ chức đứng ra kết nối, hỗ trợ người lao động, nhất là lao động nữ, trong công tác XKLĐ. Chị Hoàng Hà Linh, Chủ tịch Hội LHPN xã Lâu Thượng thông tin: Từ năm 2016 đến nay, Hội đã phối hợp với nhiều công ty, đơn vị tổ chức hội nghị tư vấn XKLĐ; phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ làm hồ sơ cho 18 lao động vay vốn XKLĐ đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đa số người lao động đều tìm được việc làm phù hợp, ổn định với mức thu nhập từ 15-17 triệu đồng/tháng.
Chị Ngô Thị Dịu ở xóm La Hóa là một ví dụ. Năm 2018, được sự kết nối của Hội LHPN xã và Công ty Tư vấn XKLĐ, chị được làm việc cho một doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Đài Loan với mức lương hơn 15 triệu đồng/tháng.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp, phát tờ rơi, với những thông tin cần thiết, như: Trình độ tay nghề, việc làm, nước đến làm việc và thu nhập hàng tháng... đến người lao động.
5 năm trở lại đây, hoạt động truyền thông trực tiếp về XKLĐ tại các xóm, xã, trường học được đẩy mạnh, đã tạo điều kiện cho người dân được tìm hiểu, lựa chọn công việc, thị trường lao động phù hợp để đăng ký tham gia.
Đặc biệt, chính quyền các địa phương cùng với ngành Lao động- Thương binh và Xã hội theo dõi, nắm bắt thông tin thường xuyên của người lao động làm việc ở nước ngoài, cũng như liên lạc với gia đình, đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó tạo sự gắn bó, trách nhiệm trong phối hợp giải quyết những khó khăn về thủ tục pháp lý, sự cố ngoài ý muốn.
Hai năm nay, mặc dù gặp khó khăn do dịch COVID-19, nhưng với sự chủ động, tích cực của các cấp, ngành, công tác XKLĐ vẫn được duy trì. Riêng năm 2021, số lượng lao động trên địa bàn tỉnh được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là gần 700 người, tại các thị trường chủ yếu như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Từ nguồn ngoại tệ mà các lao động gửi về, nhiều gia đình đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho bản thân, gia đình và nhiều lao động địa phương.