Tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Ông Nguyễn Văn Quyền (ngoài cùng bên phải), Phó Phòng Chính sách lao động, Sở Lao động - TB&XH, hướng dẫn người lao động Công ty CP Hợp kim sắt Thái Nguyên chấp hành nội quy an toàn - vệ sinh lao động. |
“Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động (AT - VSLĐ), cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID -19” - là chủ đề xuyên suốt trong Tháng hành động AT - VSLĐ năm 2022 được Hội đồng AT - VSLĐ tỉnh chính thức phát động từ ngày 28-4 đến ngày 31-5.
Tháng hành động được diễn ra với một chuỗi các hoạt động ý nghĩa, như: Lễ phát động; đối thoại của Hội đồng AT - VSLĐ cấp tỉnh với người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ); thăm, tặng quà gia đình nạn nhân tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp.
Cùng với đó là các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác AT - VSLĐ được tăng cường; giúp NLĐ thuận lợi tiếp cận với các chính sách, pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ về công tác AT - VSLĐ.
Trong những năm qua, các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, hạn chế tới mức thấp nhất những vụ việc đáng tiếc do mất AT - VSLĐ. Chỉ tính riêng năm 2021 trên toàn tỉnh có gần 107.000 lượt người được huấn luyện AT - VSLĐ; hơn 5.000 máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về AT - VSLĐ đang sử dụng được kiểm định, cấp phép hoạt động.
Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã thực hiện lấy hơn 38.000 mẫu quan trắc môi trường, đồng thời ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan có mẫu quan trắc không đạt quy chuẩn khắc phục dứt điểm.
Không thể phủ nhận sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành liên quan, nhưng công tác phòng, chống TNLĐ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Những năm gần đây, số lao động làm việc tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, hợp tác xã tăng. Cùng với đó là nhiều công nghệ, thiết bị mới được vận hành, sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, song việc đầu tư cho công tác AT - VSLĐ hạn chế. Các doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân đầu tư rất ít cho AT - VSLĐ. Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Các thành viên Hội đồng AT - VSLĐ tỉnh trao đổi cùng người lao động về lợi ích chấp hành an toàn lao động.
Nhìn lại năm 2021, TNLĐ có giảm về số vụ, số người bị nạn, nhưng số vụ chết người và số người bị chết, người bị thương nặng tăng so với năm 2020. Cụ thể, ở khu vực có quan hệ lao động đã xảy ra 102 vụ, làm 104 người bị tai nạn, giảm 36 vụ và 35 người bị nạn so với năm 2020. Nhưng số vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết người là 15 vụ, làm 16 người chết, tăng 3 vụ, 4 người chết so với năm 2020.
Cùng thiệt hại về người, các doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ còn bị thiệt hại với số tiền gần 3 tỷ đồng và hơn 2.000 ngày công lao động phải nghỉ do tai nạn lao động. Riêng thiệt hại về tiền tăng gần 1,5 tỷ đồng so với năm 2020.
Khu vực không có quan hệ lao động để xảy ra 17 vụ TNLĐ, làm chết 8 người và 9 người bị thương nặng, tăng 5 vụ so với năm 2020.
Qua phân tích điều tra: Nguyên nhân chính của các vụ TNLĐ là do sự chủ quan của NLĐ và người sử dụng lao động, vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm an toàn; không tuân thủ quy trình, chưa có biện pháp làm việc an toàn; NLĐ chưa được huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về AT - VSLĐ; NLĐ không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động; người sử dụng lao động chưa làm tốt việc thường xuyên tự kiểm tra AT - VSLĐ, không tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và nguy cơ rủi ro gây ra TNLĐ…
Chia sẻ với người lao động, năm 2021 ngành Bảo hiểm giải quyết mới cho 129 trường hợp NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Tổng chi trả trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, hỗ trợ dưỡng sức, giám định thương tật, phòng ngừa rủi ro, mua bảo hiểm y tế cho NLĐ trong năm đạt hơn 27 tỷ đồng, tăng gần 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong năm 2021, trên toàn tỉnh có hơn 100.600 NLĐ được khám sức khỏe định kì.
Trong điều kiện thích nghi với tình hình mới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhộn nhịp trở lại là dấu hiệu tốt cho phục hội kinh tế. Song để bảo đảm AT - VSLĐ, hạn chế những sự việc đáng tiếc, các cấp, ngành, địa phương, NLĐ và mọi người dân cần cùng vào cuộc; không lơ là, chủ quan dẫn đến mất ATLĐ làm thiệt hại về người và tài sản.