Bạn biết gì về Di tích lịch sử Bảo Biên?

Cập nhật: Thứ năm 02/12/2010 - 12:41
Di tiacute;ch lịch sử cơ quan Bộ Tổng tư lệnh Quacirc;n đội nhacirc;n dacirc;n Việt Nam tại xatilde; Bảo Linh, huyện Định Hoacute;a (Thaacute;i Nguyecirc;n).
Di tiacute;ch lịch sử cơ quan Bộ Tổng tư lệnh Quacirc;n đội nhacirc;n dacirc;n Việt Nam tại xatilde; Bảo Linh, huyện Định Hoacute;a (Thaacute;i Nguyecirc;n).

Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2010), Báo Thái Nguyên điện tử xin giới thiệu đến bạn đọc Khu Di tích lịch sử Bảo Biên (thuộc thôn Bảo Biên, xã Bảo Linh, Định Hóa)- nơi đặt bản doanh cơ quan đầu não quân sự của Đảng ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Bảo Biên đã có vị trí rất quan trọng trong lịch sử của cuộc kháng chiến, lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam và lịch sử cách mạng Việt Nam.

 

Di tích lịch sử Bảo Biên gồm 2 địa điểm di tích: Đồi Đỏn Mỵ và rừng Khau Cuối,

 

Đồi Đỏn Mỵ là nơi Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng – Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đặt cơ quan, sở chỉ huy cơ bản; nơi đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội đã ở và làm việc trong những năm từ 1949-1954 để chỉ đạo các lực lượng vũ trang nhân dân trên các chiến trường toàn quốc và bộ đội tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Đỏn Mỵ là một quả đồi thấp, có nhiều cây cổ thụ. Phía Đông đồi là cánh đồng Bảo Biên khá rộng, trải dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Phía Tây đồi là dãy núi Lai Liệp sừng sững, liền 1 dải với dãy núi Hồng hùng vĩ, có độ cao 500-700m tạo thành địa giới tự nhiên giữa tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Tày. Đỏn Mỵ là vị trí thuận lợi để đặt bản doanh của Bộ Tổng tư lệnh và Quân ủy: Bí mật, gần dân (những người dân tộc Tày một lòng theo Đảng, một lòng theo kháng chiến); tiện đường sang Lục Giã, Điềm Mặc (nơi Bác Hồ và cơ quan Trung ương Đảng ở, làm việc), Đồng Đạu, Thẩm Tắng (nơi đặt cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị quân đội); cũng tiện đường rút sang Tuyên Quang, Bắc Kạn và rất xa thị trấn, thị xã (cách chợ Chu 20km, cách T.P Thái Nguyên khoảng 80km).

Giữa đỉnh đồi là ngôi nhà khá lớn dùng làm nơi làm việc và hội họp; phía trước là lán nhỏ, nơi các chiến sỹ cảnh vệ gác bảo vệ căn cứ; phía sau là nhà bếp; cách vài mét theo hướng Bắc là nhà ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Văn phòng Quân ủy, rồi đến nhà của nhân viên phục vụ.

Tại căn nhà này (xã Bảo Linh, huyện Định Hóa) là nơi Văn phòng Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh ở và làm việc (1949-1954). Tại đây nhiều chủ trương, kế hoạch và phương án tác chiến nhiều chiến dịch của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu trình Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã được thông qua.

 

Ngày nay, ở đồi Đỏn Mỵ còn lại dấu tích nền nhà làm việc, nền nhà ở của Đại tướng cùng 1 giếng nước, đường hào giao thông bị san lấp. Năm 2004, kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã đầu tư kinh phí phục hồi nhà làm việc và một số hạng mục khác, dựng bia đá nguyên khối kích thước lớn để tôn vinh và ghi dấu những sự kiện lịch sử đã diễn ra ở căn cứ Đỏn Mỵ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Rừng Khau Cuối: Được che phủ bởi vầu và cọ, cách đồi Đỏn Mỵ khoảng hơn 500m về hướng Đông Nam. Từ đây có thể bao quát được cả cánh đồng Bảo Biên. Hai ngôi nhà lớn (ngày nay còn nền nhà đắp đất) làm bằng gỗ, tre, nứa, tường che phên, mái lợp cọ được sử dụng làm văn phòng và hội trường của Bộ Tổng tư lệnh. Xung quanh còn một số nhà, lán của bộ đội ở để bảo vệ khu căn cứ.

 

Bảo Biên là căn cứ chính của Bộ Tổng tư lệnh, Quân ủy Trung ương. Đây là nơi Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy thường tới họp bàn, quyết định những vấn đề quan trọng về quân sự; nơi ra đời nhiều kế hoạch, phương án tác chiến chiến dịch: Trung Du (1950-1951), Hoàng Hoa Thám (1951), Hà Nam Ninh (1951), Hòa Bình (1952), Tây Bắc (1952). Là nơi đặt bản doanh cơ quan đầu não quân sự của Đảng ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Bảo Biên có vị trí rất quan trọng trong lịch sử của cuộc kháng chiến, trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng và cả trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Di tích lịch sử Bảo Biên đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng theo Quyết định số 43-1999/BVHTT ngày 12-7-1999.

TNĐT (g/t)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: