Bản Dạo - Nơi ra đời tấm bản đồ Điện Biên Phủ đầu tiên
Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào và trên các chiến trường khác, cuối năm 1953 đến tháng 1 năm 1954, Bộ Chính trị họp tại Tỉn keo, Phú Đình (Định Hóa) hạ quyết tâm tiêu diệt cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ.
Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ rất cần bản đồ vùng Tây Bắc và Điện Biên Phủ để nghiên cứu chuẩn bị chiến trường. Lúc đó, ta chỉ có bản đồ tỷ lệ 1/100.000 còn bản đồ tỷ lệ 1/25.000 không có. Xưởng Sản xuất bản đồ đóng ở Bản Dạo, Bộc Nhiêu rất lo lắng cho người đi tìm kiếm tài liệu khắp nơi. Rất may, cuối tháng 1 năm 1954 cơ quan tác chiến tiền phương cử một đồng chí có tên là Ba đem về cho Xưởng một tấm bản đồ tỷ lệ 1/25.000 mới thu được của địch. Cục tác chiến yêu cầu Xưởng tập trung lực lượng vẽ, in gấp. Sau 3 ngày 3 đêm cật lực làm việc tấm bản đồ đã kịp hoàn thành và giao cho cán bộ Cục Tác chiến để kịp mang ra chiến trường phục vụ công tác chỉ huy chiến đấu. Do thiếu giấy ngoại, bản đồ Điện Biên Phủ phải in trên giấy tốt của ta. Đề phòng giấy bản mau rách, Xưởng Sản xuất bản đồ đã cho in với cơ số lớn gấp đôi, phát cho các đơn vị phục vụ chiến đấu ngoài mặt trận Điện Biên Phủ.
Tấm bản đồ do Xưởng Sản xuất bản đồ, Cục Bản đồ (Bộ Quốc phòng) đóng ở Bản Dạo vẽ, in nói trên đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của dân tộc.