Đồi Khởi Nghĩa
Địa danh đồi Khởi Nghĩa thuộc tổ dân phố 5, phường Mỏ Chè (T.P Sông Công). |
Theo người dân địa phương, khu đồi trước kia chỉ cao khoảng 20-30m so với xung quanh, đỉnh đồi rộng và khá bằng phẳng. Địa điểm này cách không xa căng Bá Vân, nơi thực dân Pháp giam giữ gần 200 tù chính trị, phần lớn là các chiến sĩ cộng sản bị đưa về từ nhà tù Sơn La và Bắc Mê (Hà Giang). Khu đồi chủ yếu là guột và cây bụi, trước Cách mạng Tháng Tám thường được gọi là đồi Khu Muối.
Về xuất xứ tên đồi Khởi Nghĩa, ông Dương Văn Khải, sinh năm 1937, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mỏ Chè giải thích: Tên gọi này có từ sau cuộc cuộc mít tinh của quân dân địa phương diễn ra ngày 17-8-1945 tại đồi Khu Muối. Tuy 70 năm đã trôi qua nhưng ông Khải còn nhớ như in tinh thần cách mạng khẩn trương, sôi nổi ở thời điểm đó. Ông kể: Nhà tôi ở gần khu đồi, khi ấy vào khoảng 5-6 giờ chiều, tôi đang cõng em thì thấy rất nhiều người từ các nơi kéo về, người cầm gậy, cuốc thuổng, người thì cầm súng kíp. Trong những người đó, tôi nhận ra ông Ngọ, bà Tâm, ông An là những người ở gần nhà mình. Tất cả mọi người đồng loạt hô vang khẩu hiệu quyết tâm đánh đổ thực dân phong kiến và bè lũ tay sai để giành chính quyền, ủng hộ lực lượng Việt Minh. Sau này tìm hiểu tôi mới biết, đoàn người khi ấy vừa đánh chiếm xong đồn Phá An do cai Khiêm cầm đầu (nay thuộc Thị xã Phổ Yên) thì di chuyển về đây để biểu dương, tập hợp thêm lực lượng chuẩn bị cho cao trào khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.
Sau năm 1945, cái tên đồi Khởi Nghĩa dần hình thành và trở nên quen thuộc. Với ý nghĩa lịch sử của địa điểm này, chính quyền phường Mỏ Chè đã lập hồ sơ, cắm mốc khu di tích, đồng thời giao cho tổ dân phố 5 quản lý. Đồi Khởi Nghĩa nay được san gạt hạ thấp hơn trước, ở đó có Nhà văn hóa tổ dân phố tổ 4 và 5, cùng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ phường Mỏ Chè (ảnh).