Du lịch sinh thái ở Võ Nhai
Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, một điểm đến lý tưởng trong kỳ nghỉ của du khách. |
Cuối tuần, tôi một mình một xe lên huyện vùng cao Võ Nhai để đến với những điểm du lịch sinh thái còn mang nhiều nét hoang sơ. Ở đó, tôi gặp được nhiều du khách, họ “chạy chốn” phố thị vì quá mệt mỏi khi mỗi ngày mở mắt ra chân đã đặt xuống nền bê tông, nhắm mắt lại thấy cảm giác như những nhà cao tầng đè nặng trong tâm trí.
7 giờ sáng, tôi bắt đầu lịch trình của chuyến lên non. Nói thế, vì Võ Nhai có địa hình lắm núi, nhiều khe và thiên tạo ban cho vùng đất này những thắng cảnh độc đáo. Có lần một anh bạn từ Hà Nội lên đây, sau cả ngày thăm thú đã nói với tôi: Vùng đất Võ Nhai thì ngọn núi, dòng suối, vạt rừng, bản làng và cả con người đều lạ và hấp dẫn. Chỉ tiếc là người Thái Nguyên chưa biết “thổi phép thần” vào đó để những cảnh vật thiên nhiên, con người trở thành “mỏ vàng”, mời du khách tứ phương đến thưởng ngoạn, xả strees...
Chợt có tiếng ào ào nước đổ vọng lại kéo tôi khỏi dòng suy nghĩ miên man. Thác Mưa Rơi (Thần Sa) hiện hữu như bức tranh thủy mặc ngay phía trước. Tấp vội xe vào lề đường, ngước trông sang bên kia bờ sông Thần Sa, thấy vách núi sừng sừng, uy nghi, rêu phong bao phủ, cỏ hoa bao chùm với vô số dòng nước nhỏ thi nhau chảy rơi. Rí rách nước hòa quyện cùng tiếng chim gọi bạn tạo thành bản giao hưởng vui tai, dễ làm mê mẩn lòng người. Tôi ngồi lên một mỏm đá nhô cao, vốc từng bụm nước trong veo khỏa lên mặt, mát lành, tôi thấy mình như lạc vào miền tiên cảnh, bởi bao tia nắng từ đỉnh núi chiếu vào vách thác tạo nên sự kỳ ảo, hoang sơ với vô số ánh ngũ sắc cầu vồng.
Đặt đôi chân trần lên bờ cát mỏng, tôi vào bản người Mông gần thác, được đồng bào cho ăn thử mèn mén (bột ngô) với canh cải, thịt lợn om khói, rồi tiếp tục với chuyến hành trình qua những bản nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng, đi tiếp qua từng lằn đường đất có bóng cây bao phủ kề dưới chân vách đá dựng chất ngất, để vào Khu Di tích khảo cổ học Thần Sa ở bản Trung Sơn để chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ, nơi tổ tiên ta từng sống chừng 2, 3 vạn năm trước đây.
Từ bờ sông Thần Sa, bước lên từng bậc đá lên núi Ngườm, thấy vỏ sò, vỏ ốc chất thành lớp dày ngay trước cửa hang Miệng Hổ (Phiêng Tung). Từ lưng núi Ngườm có thể phóng mắt nhìn bao quát cả một vùng sông, núi rộng lớn, thấy cảnh vật thanh bình. Vào mái đá Ngườm, ngước trông lên thấy cao rộng, lòng liên tưởng đến những địa tầng văn hóa khảo cổ: Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi và Ngườm. Xưa kia, mái đá Ngườm từng là nơi trú ngụ của bao thế hệ người cổ, hằng ngày “các cụ” chia nhau, người lên núi săn thú, lấy măng; người xuống sông bắt cá, cua, ốc mang về hang nướng ăn bằng củi lửa. Minh chứng là hàng chục nghìn công cụ lao động được ghè đẽo như rìu tay, công cụ chặt hình núm cuội, công cụ chặt rìa, công cụ chặt 2 lưỡi, công cụ hình sừng bò, 3 bộ xương người cổ được các nhà khảo cổ học khai quật, tìm thấy từ nhiều năm trước đây.
Nhớ hơn 10 năm trước, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương lên thăm Di tích khảo cổ học Thần Sa, ông đã tỉ mẩn tự tay dùng cuốc, búa bới tìm những vỏ sò, vỏ ốc rồi ngắm nghía. Ông bảo, đó là thức ăn của người Việt Cổ. Và đây cũng từng tồn tại một nền văn hóa cổ nhất được biết đến cho tới nay ở Việt Nam và cả vùng lục địa Đông Nam Á... Chính vì thế mà khi đến thăm nơi này, tôi cũng như nhiều du khách thấy tự hào rằng: Mình vinh dự được về nơi... tổ tiên ta từng sống. Và tôi đã mang niềm vinh dự ấy đi tiếp đến những nơi được gọi là danh lam thắng cảnh của huyện Võ Nhai. Tiết trời đã sang Thu, nhưng hơi nắng, nóng còn làm nám da mặt, song vừa đến xã Phú Thượng, tôi đã xăm xắn bước thấp, bước cao leo lên hang Phượng Hoàng. Sau 30 phút guồng đôi chân trần, mồ hôi bắt đầu bết lưng áo, bỗng thấy từ lòng núi một luồng gió mát lạnh thổi ra, tôi đứng sững lại để tận hưởng “cái vị gió” mát lành tạo hóa ban phát cho muôn loài.
Bước vào trong hang, thấy nhũ đá muôn hình vạn trạng, thỏa sức khám phá, tưởng tượng mà vợi nguôi lo lắng hồng trần. Thiên nhiên tạo ra những hình thù kỳ quái trong hang, cũng đồng thời tạo ra bao hình thù đẹp mắt, như những khối đá khổng lồ trông giống cụ tượng già, hình Phật bà Quan thế âm bồ tát, hình những người lính xung trận và từ đỉnh hang, từng giọt nước vẫn nhỏ xuống, như người thợ kiên nhẫn làm nên từng tượng đá.
Bụm tay lên miệng, tôi hú một hơi dài, từ vách đá có tiếng vọng lại, nghe hoang hoải như làn gió từ một thế giới xa xăm nào đó vọng về. Tôi lần bước xuống núi, nhảy ào vào lòng suối Mỏ Gà, dòng nước trong trẻo, tinh khôi chắt ra từ lòng núi ôm lấy tôi, vỗ về, mơn trên da thịt. Dòng nước lấy đi của tôi những nhọc mệt, bụi bặm đời thường. Tận lúc ấy mới thấy tiếc, mình chưa rủ được nhiều bạn bè cùng về những địa điểm du lịch sinh thái của vùng đất huyện Võ Nhai. Song “cái tuor” sinh thái tôi dự định còn dài, nên tiếp tục lên đường về Tràng Xá, đến thăm khu rừng Khuôn Mánh, nơi đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thay mặt thường vụ Trung ương Đảng chứng kiến lễ thành lập và trao nhiệm vụ cho đội Cứu Quốc Quân II (15-9-1941). Đi dưới tán lá lấp lóa nắng đầu Thu, tôi gặp những cựu chiến binh và nhiều bạn trẻ hành hương về nguồn, lòng ắp đầy niềm tự hào vì được về nơi cha ông mình năm xưa tụ nghĩa, vận động nhân dân đồng lòng đánh giặc cứu nước.
Chênh chếch ánh tà dương, cũng vừa lúc vào đến hồ Quán Chẽ (Dân Tiến), ngồi dưới bóng rừng, buông hờ dây câu mà cá từ đâu đó tranh nhau đến đớp mồi. Tôi kéo lên bờ được một con, hai con, ba con... lòng dạ vui lắm, nhưng cũng nhớ ra đã đến lúc mình phải kết thúc chuyến đi vui vẻ, đầy ý nghĩa để trở về với công việc thường ngày.