Lương Châu xưa, An Châu nay

Cập nhật: Thứ bẩy 25/07/2015 - 14:45
 Ao cá Bác Hồ ở tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè.
Ao cá Bác Hồ ở tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè.

Trong 12 tổ dân phố hiện có của phường Mỏ Chè (T.P Sông Công) có 10 tổ được đặt tên theo số thứ tự từ 1 đến 10. Riêng 2 tổ còn lại có tên gọi: Tổ dân phố An Châu 1, 2.

Để biết điều đặc biệt này, chúng tôi đã tìm gặp ông Dương Văn Khải, sinh năm 1937, nguyên là Chủ tịch UBND phường Mỏ Chè, hiện sống ở tổ dân phố An Châu 2. Gia đình ông từng có 7 đời sinh sống ở vùng đất này. Theo lời ông Khải thì An Châu trước có tên là làng Lương Châu, gồm 3 xóm: Chùa, Trại, Bến. Năm 1968, ở đây có hợp tác xã Bá Châu (gồm 2 làng Lương Châu và Bá Xuyên). Lương Châu xưa chỉ có 30 gia đình, sau này, nhiều hộ dân tản cư từ các tỉnh lên, số khẩu trong làng từ đó tăng lên (tổ dân phố An Châu 1, 2 hiện có trên 300 hộ và hơn 600 khẩu). Năm 1985, T.X Sông Công ra đời, có phường mới được thành lập trên địa bàn thị xã lấy tên Lương Châu. Để tránh trùng tên, nhân dân đã kiến nghị đổi tên làng là An Châu với ước mong về một cuộc sống yên lành. Năm 1987, sau khi lấy ý kiến người dân về việc đặt tên các tổ dân phố, phường đã giữ nguyên tên gọi An Châu để đặt cho 2 tổ dân phố.

 

Lịch sử ghi lại làng Lương Châu xưa từng có một ngôi chùa và nghè. Những năm kháng chiến, thực hiện tiêu thổ kháng chiến nên chùa bị phá hết, chỉ còn mái, cột được người dân chuyển sang cất giữ ở hợp tác xã Lương Châu (giờ là địa điểm nhà văn hóa tổ dân phố An Châu 2) và sau này chuyển sang chùa Bá Xuyên trên địa bàn phường Lương Châu hiện nay. Trong tổ dân phố An Châu vẫn còn dấu tích giếng làng Lương Châu xưa (3 xóm: Chùa, Trại, Bến mỗi xóm có một giếng nước) truyền rằng nước giếng trong mát cung cấp sinh hoạt cho nhiều người dân trong vùng ngay cả những đợt khô hạn kéo dài. Còn địa điểm chùa hiện nay là Trường Tiểu học Mỏ Chè, trong khuôn viên Trường học vẫn còn cây đa cổ thụ cành lá sum suê nhiều người ôm không xuể.

 

Ngay cạnh nhà ông Khải sinh sống có một hồ cá được gắn biển: Ao cá Bác Hồ An Châu. Ông Khải cho biết: Hồ có diện tích mặt nước khoảng gần 1ha cùng với hồ Bãi Chiễu trước đây là nơi cung cấp nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân địa phương. Khoảng năm 1960, được tỉnh đầu tư hơn 1 tấn xi măng, các xã viên trong hợp tác xã đã xây cống giữ nước và thả cá trong ao, và gọi là Ao cá Bác Hồ. Năm 1986, hợp tác xã giải thể, ao cá được giao cho một hộ dân trong tổ dân phố kinh doanh, trên ao, vẫn còn tấm biển: Ao cá Bác Hồ An Châu (do nhân dân trong tổ dựng lại năm 2008).

 

Tuyến phố từ đường Cách mạng Tháng Tám của T.P Sông Công vào tổ dân phố An Châu 1, 2 mới đây được tỉnh đặt tên là: phố An Châu thêm một lần nữa nhắc người dân sống trong khu dân cư sầm uất hôm nay tự hào về ngôi làng xưa của mình.

Linh Lan
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: