Một thời cây đa - gốc sấu

Cập nhật: Thứ sáu 18/09/2015 - 09:58

Từ tháng 12-1960, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định công nhận địa điểm cây đa - gốc sấu, thuộc xã Phấn Mễ (Phú Lương) cần được cắm mốc di tích lịch sử để nghiên cứu và bảo vệ.

Ông Lâm Chu, 73 tuổi, ở tiểu khu Lân 1, thị trấn Đu (Phú Lương) cho biết: Địa điểm cây đa - gốc sấu trước kia thuộc xóm Xấu Hoa, xã Phấn Sức, nay là xóm Hái Hoa, xã Phấn Mễ (ảnh). Khu vực này là một quả đồi thấp, dưới chân đồi có một cây đa to, tán rộng bằng mấy gian nhà, gần đó là một gốc sấu cổ thụ xanh tốt quanh năm. Khu vực này có địa thế kín đáo, cách không xa Quốc lộ, người dân đã được giác ngộ nên phong trào cách mạng sớm phát triển mạnh.

 

Trong tác phẩm “Những ngày đầu” xuất bản năm 1971 của tác giả Lê Dục Tôn có viết: “Châu Phú Lương có cơ sở cách mạng ở Hái Hoa (xã Phấn Sức) và làng Cam (xã Động Đạt). Đây là nơi trú chân rất quan trọng của cán bộ và là địa điểm liên lạc từ Võ Nhai sang, Đại Từ về và dưới xuôi lên”. Cuốn lịch sử Đảng bộ xã Phấn Mễ cũng xác định: Tháng 3-1942, bộ phận cứu quốc quân hoạt động ở Định Hóa gồm các đồng chí: Phương Cương, Nguyễn Cao Đàm, Mông Phúc Quyền đã sang làng Hái Hoa, xã Phấn Sức để gây dựng cơ sở. Tại đây, tổ cứu quốc quân được gia đình ông Lâm Khải Đình, Hoàng Phúc Đoan và Hoàng Văn Trực nuôi dưỡng, che trở, bảo vệ. Gia đình ông Lâm Khải Đình có 3 con trai là Lâm Thành Thái, Lâm Thơm, Lâm Đình Phòng đều có tinh thần yêu nước. Được tuyên truyền vận động, những thanh niên này đã tích cực làm nhiệm vụ do tổ chức phân công và nhanh chóng trở thành cốt cán của phong trào cách mạng ở cơ sở. Cuối năm 1942, đội tự vệ cứu quốc được thành lập, gồm: Lâm Thành Thái, Lâm Đình Phòng, Lâm Văn Voòng tại xóm Hái Hoa và Làng Lân”.

 

Theo các tài liệu lịch sử: Những năm trước Cách mạng Tháng Tám (1945), đồng chí Lôi Văn Cam, Xứ ủy Bắc Kỳ và một số cán bộ đã về hoạt động tại khu vực cây đa - gốc sấu, nơi đây còn là cơ sở in ấn nhiều tài liệu quan trọng. Đặc biệt là đầu năm 1945, Bác Hồ đi công tác qua đã nghỉ tại nhà ông Lâm Thành Thái ở ngay khu vực gốc đa. Năm 1998, Bảo tàng tỉnh đã khảo sát và xác định hiện vật lịch sử là chiếc ấm đất của bà Hoàng Thị Đậu (vợ ông Thái) từng dùng để sắc thuốc cho Bác Hồ uống khi người bị ốm.

 

Nhân dân xóm Xấu Hoa và gia đình ông Lâm Khải Đình đã được tặng Bằng có công vì đã “tích cực giúp và bảo vệ cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc Cánh mạng Tháng Tám”. Cá nhân ông Lâm Thành Thái cũng vừa được Tỉnh ủy Thái Nguyên công nhận là người có công với cách mạng trước ngày 1-1-1945.

H.T
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: