Những địa danh gắn với Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917

Cập nhật: Thứ tư 08/07/2009 - 16:30

TNĐT - Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 nổ ra đêm 30 rạng 31/8/1917 do Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Hơn 600 nghĩa sĩ Thái Nguyên là binh lính yêu nước, công nhân mỏ, thị dân đã sát cánh dưới cờ khởi nghĩa sáu ngày đêm chiến đấu trên chiến địa với một lực lượng quân Pháp mấy ngàn người trang bị hiện đại đã làm nên bản hùng ca tràn đầy khí phách của dân tộc.

 

Những địa danh gắn liền với cuộc khởi nghĩa ấy đã trở thành niềm tự hào của người dân Thái Nguyên

 

Cổng trại lính khố xanh tỉnh Thái Nguyên xây năm 1913, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa năm 1917.    

Trại lính khố xanh: là nơi Đội Cấn và một số viên đội có lòng yêu nước tập hợp đội ngũ, bàn bạc kế hoạch khởi nghĩa. Đêm 30 rạng sáng ngày 31, Đội Cấn hạ lệnh giương cao cờ Ngũ tinh nền vàng có năm ngôi sao và dòng chữ Nam binh phục Quốc phát lệnh khởi nghĩa, thành lập Bộ Chỉ huy khởi nghĩa. Trại lính khố xanh xưa nay nằm gọn trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thuộc phường Trưng Vương, T.P Thái nguyên.

 

Dinh Công sứ được xây dựng năm 1896 - 1897.  

Dinh Công sứ Pháp:  Được xây dựng năm 1896 - 1897 là trụ sở của công sứ người Pháp kiên cố trên một quả đồi cách Trại lính khố xanh  gân 100m về phía Tây. Hiện nay, di tích này vẫn còn nền nhà, hầm ngầm trên quả đồi phía Tây khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

 

Nhà lao Thái Nguyên: Do Pháp xây dựng năm 1903 - 1904, kiên cố không kém nhà tù Côn Đảo, dùng để giam cầm tù chính trị, có lúc lên tới 200 người. Nhà lao nằm ngay trung tâm thị xã giữa đường Quyết Tiến và đường Nha Trang hiện nay.

 

Phòng tuyến Gia Sàng: Là hệ thống công sự chiến đấu do nghĩa quân xây dựng trên 5 quả đồi: Đồi Bầu, đồi Gò Trại, đồi Bà Cụ, đồi Tăng Xê, đồi Cụ Lân ở phía trái con đường từ Gia Sàng dẫn đến thị xã Thái Nguyên, nay thuộc phường Phan Đình Phùng, T.P  Thái Nguyên. Tại phòng tuyến này, từ 2/9 đến 4/9/1917 nghĩa sĩ Thái Nguyên đã chiến đấu ngoan cường đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Toàn bộ đơn vị quyết tử chốt chặn phòng tuyến Gia Sàng đã hy sinh đến người cuối cùng trên trận địa

 

Đền thờ Đội Cấn tại phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên).

Đền thờ Đội Cấn: Do nhân dân Thái Nguyên dựng lên trước Cách mạng tháng Tám thờ Đội Cấn, lãnh tụ Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên và các nghĩa quân của ông. Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đền bị san phẳng. Năm 2002 đã được tỉnh Thái Nguyên trùng tu xây dựng.

 

Cụm di tích gắn với Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1997.

TNĐT (g/t)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: