Quần thể núi đá ở Hang Cô
Quần thể núi đá vôi ở xóm Hang Cô, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) gồm 3 khối núi nằm liền kề, được đặt tên lần lượt là: Núi Hang Cô, Chu Văn Tấn và Ông ngoảnh đi - bà ngoảnh lại (ảnh).
Tương truyền trước kia có 3 người con gái đi qua khu vực này, thấy hang động đẹp, cảnh sắc hữu tình nên đã nghỉ lại. Sau đó, không biết vì lý do gì mà họ bị chết luôn trong núi. Người dân lập miếu thờ, gọi theo tiếng dân tộc Nùng là Mè Làng, dịch ra tiếng phổ thông là Ba Cô, lâu dần đọc lệch là Hang Cô. Tên gọi này được dùng phổ biến rồi trở thành tên gọi của xóm. Ngay sát Hang Cô là núi Ông ngoảnh đi - bà ngoảnh lại, trên đỉnh có thể thấy rõ hai mỏm đá như hình người quay về hai hướng khác nhau. Nhiều người nói vui rằng, khu vực xóm Hang Cô vốn là vùng đất cằn cỗi, đất canh tác hạn chế. Hình dáng mỏm núi tượng trưng cho tâm lý của con người nơi đây, nửa muốn ra đi tìm vùng đất mới, trù phú hơn, nửa muốn bám trụ ở lại để gây dựng xóm làng, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, núi Chu Văn Tấn là một địa danh lịch sử gắn với thời kỳ Liên khu Việt Bắc đóng trụ sở tại đây, giai đoạn 1964-1972. Ông Luân Văn Bình, Trưởng xóm Hang Cô cho biết: Núi có một hang rộng, ngay cửa là khu hội trường lớn được xây bằng gạch và nhà làm việc của đồng chí Chu Văn Tấn, khi đó đang là Chính ủy, Bí thư Khu ủy Quân khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Khu tự trị Việt Bắc. Các phòng, ban khác của Liên khu được đặt rải rác trong xóm. Hầu hết đều là nhà tạm, cột gỗ, lợp lá cọ và vách trát bằng đất. Có gần 200 cán bộ sơ tán về xóm làm việc trong giai đoạn này. Trong trí nhớ của ông Bình, Ban Tuyên huấn của Liên khu thường xuyên tổ chức nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế để bà con địa phương được biết và hằng tháng đều chiếu phim một lần.
Sau khi cơ quan Liên khu Việt Bắc chuyển đi, hội trường và các khu nhà làm việc cũng bị tháo dỡ. Hiện ở khu vực quần thể núi đá của xóm Hang Cô chỉ còn dấu tích, miếu Hang Cô vẫn được người dân thắp hương thờ tự.