Sông Giã - Sông Công

Cập nhật: Thứ bẩy 28/03/2009 - 10:16

TNĐT- Huyền thoại kể rằng tình yêu của chàng Cốc và nàng Công đã tạo nên hồ Núi Cốc thơ mộng làm say lòng du khách khi đến đất Thái Nguyên. Tình yêu ấy cũng tạo nên dòng sông Công sản sinh ra nhiều người con kiệt xuất cho mảnh đất Thái Nguyên Anh hùng. Còn sử sách lại ghi nhận rằng dòng sông Công trên đất Thái Nguyên đã trở thành nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử…

Sông Công bắt nguồn từ Định Hóa, chảy qua Đại Từ, T.P Thái Nguyên, cắt ngang vùng đất Sông Công, Phổ Yên, vặn mình chảy về phía Đông hòa vào sông Cầu xuôi về Phả Lại. Dòng sông này là nhân chứng nhiều sự kiện lịch sử: Năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) đời  Vua Lê Hiển Tông, triều đình cử tướng Văn Đình Úc giữ chức Lưu thủ, đem quân lên đánh đuổi quân Mạc ở Thái nguyên. Khi đến sông Công gặp cánh quân của Tướng Hoàng Ngũ Phúc, hai tướng hội quân tại đây rồi kéo quân ngược sông Cầu, sau đó chia làm hai mũi tấn công quân Mạc, đánh cho quân Mạc phải bỏ chạy về phía Bắc.

 

Năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767), triều đình cử Huấn phục hầu Nguyễn Đình Huấn và Đốc đồng Ngô Thì Sĩ đi xem xét việc khai thác bừa bãi mỏ Tống Bình thuộc châu Bạch Thông, trấn Thái Nguyên. Khi đi đến địa phận sông Công thì được tin báo Minh Vương Trịnh Doanh chết, Huấn phục hầu và Đốc đồng dừng ở sông Công rồi hoãn chuyến đi quay về kinh thành.

 

Dòng sông Công hiền hòa còn có tên là sông Giã (Giã hà) bởi thời thuộc Lương con sông này nằm trên đất châu Giã Năng, quê hương của người anh hùng lý Bí. Nơi dòng sông chảy ngoặt về phía Đông (gần cầu Đa Phúc ngày nay) chính là làng Trấn, Trấn lỵ châu Giã Năng, nơi Lý Bí khởi binh từ đất Hoài Đức (Hà Nội ngày nay) vượt qua núi Sóc về đây bao vây rồi đánh bại giặc Lương.

 

Dòng sông Công đã gắn bó với người dân Thái Nguyên bao đời nay,  âm thầm bồi đắp phù sa cho người dân hai bên sông kiến tạo cuộc sống. Dọc thung lũng sông Công đã sản sinh cho mảnh đất Thái Nguyên 3 vị tướng tài: Lưu Trung Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống và ba vị tiến sĩ: Đỗ Cận, Đàm Sâm, Đồng Doãn Giai.

TNĐT (G.T)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: