Ấm áp tình đồng đội
Cán bộ, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả. |
Cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh mang trong mình di chứng của chất độc hóa học, nhưng họ không gục ngã. Bởi bên mỗi người luôn có tình đồng đội ấm áp. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất dộc da cam/Dioxin (Hội Da cam) xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), chia sẻ.
Hội Da cam xã Hóa Thượng có 106 hội viên (HV). Bao gồm 84 HV là nạn nhân trực tiếp, 6 HV là nạn nhân gián tiếp và 16 HV tự nguyện tham gia sinh hoạt Hội. Với phương châm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, các HV luôn gần gũi, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Đề, xóm Tướng Quân, cho biết: Năm 2021 ngôi nhà của gia đình tôi không còn an toàn để ở. Trong lúc chưa biết xoay xở như thế nào thì Hội Da cam và Hội Chữ thập đỏ huyện đến động viên, hỗ trợ cho gia đình 25 triệu đồng, trong đó Hội Da cam giúp 20 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ giúp 5 triệu đồng, còn lại là tiền tích lũy của gia đình và đồng đội. Nhờ đó tôi đã có ngôi nhà mới.
Bên ấm trà, câu chuyện nghĩa tình đồng đội; chuyện về cuộc sống đời thường của những nạn nhân chất độc da cam xã Hóa Thượng đan xen cả nước mắt và nụ cười. Cũng khi ấy tôi nhận ra: Càng khó khăn, tình đồng đội càng gắn bó thân thiết, thể hiện bằng nghĩa cử bình dị.
Trong năm 2021, HV Long Đình Trọng, Chi hội Sơn Quang được Hội Da cam tặng xe lăn. 3 trường hợp HV đau ốm, đi viện cấp cứu được đồng đội đến thăm hỏi, hỗ trợ, động viên kịp thời. Vào năm học mới, 6 cháu là con của HV được tặng sách giáo khoa.
Hội cũng đã chủ động phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cho 95 HV và con của HV; phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc bổ miễn phí cho 43 HV.
Một thực trạng là hầu hết HV là nạn nhân trực tiếp đều đã cao tuổi, sức yếu, thân mang nhiều bệnh như: Huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Các HV là nạn nhân gián tiếp đều là người khuyết tật, sức khỏe không ổn định.
Trong Hội, nặng nhất phải kể đến trường hợp HV Bùi Thọ Thông, trong nhà có 3 thế hệ là nạn nhân chất độc da cam, gồm ông Thông, con gái và 1 cháu nội. Ông Bình, Chủ tịch Hội, cũng có 2 người con bị dị dạng (đã chết). Day dứt hơn nữa là ở xã hiện còn hơn 70 người là nạn nhân chất độc da cam, nhưng chưa được hưởng chế độ hỗ trợ.
Ông Bùi Ngọc Hải, Chi hội trưởng Chi hội Sơn Quang, nói băn khoăn: Thế hệ chúng tôi ngày một vơi đi bởi tuổi tác và bệnh tật. Chi hội có 6 người, đầu năm 2022 vơi đi 1. Còn lại 5 HV thì 2 trường hợp cơ bản nằm một chỗ.
Còn HV Trần Văn Thung, Chi hội Việt Cường, cho biết: Nhiều đồng đội tôi đã qua đời nhưng chưa được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Đau xót lắm chứ, vì ai cũng biết họ từng một thời chiến đấu ở những khu vực bị quân đội Mỹ rải hóa chất hủy diệt sự sống. Thứ hóa chất ấy đang từng ngày gặm nhấm sức khỏe của đồng đội tôi. Và đồng đội tôi cũng đang hy vọng, mong đợi được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Với chúng tôi - đó là danh dự.
Họ đang nén giấu nỗi đau riêng về thể xác, tâm hồn. Tôi nghĩ như thế vì nhận ra ở các phong trào thi đua tại địa phương, họ luôn đồng thuận, tiên phong, gương mẫu.