Đau cùng nỗi đau da cam

Cập nhật: Chủ nhật 15/08/2021 - 10:04
 Ông Nguyễn Quốc Chiến (bên phải) và ông Tạ Ngọc Oánh (bên trái) thăm hỏi, động viên anh Dương Văn Bình, NNCĐDC thế hệ thứ 2 tại TDP Khu Yên, phường Bách Quang (T.P Sông Công).
Ông Nguyễn Quốc Chiến (bên phải) và ông Tạ Ngọc Oánh (bên trái) thăm hỏi, động viên anh Dương Văn Bình, NNCĐDC thế hệ thứ 2 tại TDP Khu Yên, phường Bách Quang (T.P Sông Công).

Trong căn phòng làm việc nhỏ gọn của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin (NNCĐDC) thành phố Sông Công, những bức ảnh về nạn nhân da cam với thân hình dị dạng được chụp với bố cục chặt chẽ, sắc nét, treo ngay ngắn trên tường và xếp đặt cẩn thận trong cuốn abum như những thước phim lịch sử. Chủ nhân của những bức ảnh đó là hai ông Nguyễn Quốc Chiến và ông Tạ Ngọc Oánh là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố Sông Công.

Tôi lặng lẽ đón lấy và quan sát từng bức ảnh trong cuốn abum từ tay ông Nguyễn Quốc Chiến. Các nhân vật trong bức ảnh đa phần là con, cháu, thế hệ thứ 2, thứ 3 của những NNCĐDC. Người thì chân tay co quắp, ngồi bệt một chỗ vẻ mặt thất thần, người thì thân hình tiều tụy, trên ngực nổi rõ những đốt xương, người thì lưng gù, teo chân đang khó nhọc di chuyển, lại có người như đang thét gào khi bị nhốt trong một chiếc khung sắt…

Một cảm giác nhói đau như có luồng điện chạy xuyên qua lồng ngực khiến tôi im lặng giây lát. Chợt ông Chiến mở lời: Cô còn dám nhìn kỹ những bức ảnh này, chứ nhiều người khi mới mở ra đã vội gấp lại vì sợ bị ám ảnh. Nhưng đó chính là nhân chứng sống, là tất cả những gì chúng tôi thu thập, ghi lại được trong mỗi lần thăm các nạn nhân. Và cũng là cách để chúng tôi khơi dậy niềm tri ân, thiện lương và trách nhiệm của mỗi người với NNCĐDC.

Thành phố Sông Công hiện có 847 người là NNCĐDC đang được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, trong đó có 727 nạn nhân trực tiếp và 120 nạn nhân gián tiếp. So với các địa bàn khác, thành phố có ít nạn nhân da cam hơn song mức độ ảnh hưởng, tỷ lệ thương tật lại nặng hơn, nhất là ở thế hệ thứ 2.

Đa số các nạn nhân đều có thân hình dị dạng, khuyết tật tay, chân, có vấn đề về thần kinh, không thể tự chăm sóc mà cần người thân bên cạnh và cuộc sống của họ vô cùng khó khăn.

Cũng từng là người lính vào sinh ra tử, là nạn nhân da cam, ông Chiến, ông Oánh hiểu thấu những nỗi đau đang từng ngày, từng giờ gặm nhấm những thân thể của các nạn nhân và người thân của họ. Bởi thế, từ khi đảm nhận vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội NNCDDC thành phố, các ông luôn trăn trở làm sao để chăm sóc, giúp đỡ cho những đối tượng này được tốt nhất.

Hàng năm, hai ông thường xuyên rà soát gia cảnh nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để kịp thời báo cáo với cấp ủy, chính quyền và các nhà hảo tâm giúp đỡ.

Hội NNCĐDC thành phố do các ông đảm nhiệm thường xuyên phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội điều tra, khảo sát thiết lập hồ sơ nạ nhân, đề nghị Hội đồng giám định xét duyệt để được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước.

Đặc biệt, để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay chia sẻ với NNCĐDC, hai ông đã vận động để hỗ trợ được 2 máy ảnh. Mỗi người một chiếc, các ông tự mày mò cách chụp để có thể ghi lại hết hình ảnh, khoảnh khắc, nỗi đau của các NNCĐDC. Từ đó xây dựng hai cuốn abum: Giới thiệu về những gia cảnh NNCĐDC và hình ảnh hoạt động Hội.

Ông Oánh kể: Có cháu nạn nhân, chúng tôi vừa đến nhà, chưa định thần được vội cầm dao định phi lên, may sao người nhà can thiệp kịp... Nhiều lúc cũng nguy hiểm lắm nhưng chúng tôi nghĩ thấy thương các cháu nhiều hơn.

Các ông cũng luôn động viên NNCĐDC trong khả năng, điều kiện của mình vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, tích cực tham gia cùng địa phương xây dựng nông thôn mới...

Nhờ vậy, trong Hội xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó như: Ông Nguyễn Trong Hợp xóm Tân Mỹ, xã Tân Quang; ông Nguyễn Đăng Sáng xóm Phú Sơn, xã Bình Sơn; anh Dương Văn Bình, TDP Khu Yên, phường Bách Quang với các mô hình trồng cây ăn quả, chăn bò, lợn... Hiện nay, trên 98% hộ gia đình NNCĐDC đã thoát nghèo, có cuộc sống trung bình so với mặt bằng chung của thành phố.

Trong 5 năm qua, dưới sự dẫn dắt của hai ông, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động được trên 2,2 tỷ đồng ủng hộ “Qũy Vì NNCĐDC” thành phố. Qua đó đã xây mới, sửa chữa 25 nhà cho nạn nhân; tặng hàng nghìn suất quà, hỗ trợ 45 lượt nạn nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro; hỗ trợ 17 hộ vay vốn sản xuất kinh doanh; phối hợp với các bệnh viện khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 600 lượt nạn nhân.

Với những nỗ lực đó, Hội NNCĐDC thành phố và cá nhân hai ông cũng nhận được nhiều khen thưởng của Trung ương Hội NNCĐ DC Việt Nam, Hội NNCĐ DC tỉnh; UBND tỉnh và thành phố...

Dù tuổi cao, sức đã yếu, song hai ông tâm niệm: “Còn làm được gì cho những đồng đội của mình và con cháu họ thì chúng tôi vẫn vui vẻ làm, bởi họ là người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ”.

Lưu Phượng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: