Làm việc thiện từ những điều giản dị nhất
Chị Cao Thị Đào với cuốn truyện ngắn vừa mới xuất bản đầu năm 2019. |
Dù cuộc sống gia đình còn nhiều vất vả, song chị Cao Thị Đào (sinh năm 1971), ở xóm An Thịnh, xã Thành Công (T.X Phổ Yên) vẫn tích cực học tập để hoàn thiện bản thân và làm thiện nguyện với mong muốn giúp đỡ được nhiều hơn nữa những mảnh đời khó khăn.
Từ một người phụ nữ nghèo ham học
Vốn rất ham học nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học xong bậc THCS, chị Đào phải nghỉ học để phụ giúp gia đình làm kinh tế. Ngoài thời gian đi làm, chị tìm các loại sách, báo để đọc và tìm hiểu. Câu chuyện nào hay, câu từ nào chưa hiểu chị đánh dấu lại rồi lại tự mình mày mò cắt nghĩa hoặc liên lạc với tác giả để trao đổi, hiểu rõ hơn. Năm 2004, chị đăng ký học lớp bổ túc THPT cách nhà 10km. Chị cũng thường xuyên dành thời gian theo học các lớp bồi dưỡng kỹ năng viết văn, viết truyện do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức với ước mơ trở thành nhà văn được nhiều người biết đến. Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn ấy, chị Đào tâm sự: Có những lúc tôi cảm thấy vô cùng bế tắc, khi vừa phải đi gánh gạch thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa lo kinh phí học tập. Song, được sự động viên, tạo điều kiện từ chồng và người thân trong gia đình, tôi đã nỗ lực vượt qua tất cả để theo đuổi ước mơ của mình.
Với quan niệm, học không chỉ phục vụ nhu cầu bản thân mà còn mong muốn đóng góp một phần có ích cho xã hội, năm 2017, chị Đào tiếp tục đăng ký học Khoa Luật, Trường Đại học Đông Đô (Hà Nội). Theo chị Đào, ở tuổi gần 50, việc tiếp thu bài vở nhiều khi cũng bị hạn chế, nhưng chị luôn nỗ lực, cố gắng để không phụ lòng những người đã tin tưởng, ủng hộ mình. Quan trọng hơn, việc học đã giúp chị có thêm kiến thức, tự khẳng định mình và tự tin bước tiếp trên con đường phía trước.
Đến “nhà văn nông dân” mê làm việc thiện
Người dân xóm An Thịnh vẫn gọi chị Đào gọi bằng cái tên thân mật “nhà văn nông dân”. Bởi lẽ, hằng ngày, ngoài công việc đồng áng, chị còn miệt mài viết truyện. Từ năm 2014 đến nay, chị đã xuất bản được 4 tập truyện ngắn, viết về những hoàn cảnh khó khăn, câu chuyện gắn với cuộc sống thường nhật. Tuy cách hành văn đôi khi còn vụng về, câu từ chưa được gọt giũa, song với một trái tim nhân hậu luôn hướng về những mảnh đời lỡ dở, bất hạnh, chị đã viết lên những câu chuyện chân thành, xúc động và được người đọc đón nhận. Điều đặc biệt là sau mỗi lần bán sách, trừ chi phí in, tất cả số tiền còn lại chị dành để giúp đỡ những cụ già neo đơn, em nhỏ mồ côi, người khuyết tật… Với suy nghĩ làm việc thiện từ những điều giản dị nhất, chị Đào đã giúp họ khi thì chỉ vài trăm nghìn đồng, lúc thì dăm bảy bộ quần áo lành lặn, có khi chỉ là chai mắm, gói muối hay đơn giản chỉ là đôi lời động viên chân tình…
Mỗi khi thấy người ta nói ở đâu có người gặp khó khăn, chị lại tranh thủ thời gian đến tận nơi tìm hiểu rồi tìm cách giúp đỡ. Với tấm lòng lương thiện của mình, từ năm 2004 đến nay, chị Đào đã dành tặng hàng trăm suất quà cho người nghèo, kêu gọi giúp đỡ nhiều mảnh đời kém may mắn. Đồng thời, chị cũng nhận làm mẹ đỡ đầu cho 10 cháu bé mồ côi tại địa phương. Chia sẻ với chúng tôi, chị Đào cho biết: Sau mỗi lần làm việc thiện, trong lòng tôi cảm thấy phấn khởi và an tâm hơn khi có thêm những hoàn cảnh khó khăn được sẻ chia, giúp đỡ kịp thời. Chính điều này đã tiếp cho tôi thêm động lực vươn lên, giúp ngọn lửa nhiệt huyết với công tác thiện nguyện chưa bao giờ tắt.
Xứng đáng nhân rộng trong cộng đồng
Suốt 14 năm qua, hình ảnh chị Đào với chiếc xe đạp, xe máy cũ đi từ đầu xã đến cuối xã để thăm hỏi, tìm hiểu những hoàn cảnh cần giúp đỡ đã trở nên quen thuộc với người dân xóm An Thịnh. Ban đầu, đối tượng chị giúp đỡ chỉ tập trung ở xã Thành Công, nhưng đến nay phạm vi đã mở rộng ra ngoài xã và ở một số địa phương lân cận. Trước đây, hầu hết kinh phí làm từ thiện chị Đào đều lấy từ nguồn kinh tế cá nhân, nhưng hiện nay, khi biết và hiểu được việc làm ý nghĩa của chị, nhiều người đã chung tay cùng chị giúp người nghèo có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chị Dương Thị Tứ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Công cho biết: Cảm phục trước nghị lực và tấm lòng lương thiện của chị Đào, nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tôi đã cùng chị dành tặng những phần quà, kêu gọi giúp đỡ cháu Nguyễn Thị Bích Ngọc ở xóm Xuân Hà 1, xã Thành Công. Trường hợp của Ngọc rất đặc biệt, cháu bị vẹo cột sống bẩm sinh, mẹ bỏ đi khi còn rất nhỏ, hiện đang ở với bố và bà nội. Số tiền phẫu thuật cho Ngọc lên tới hàng trăm triệu đồng, trong khi gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thông qua việc kêu gọi, vận động, vừa qua đã có nhiều nhà hảo tâm biết đến và giúp đỡ Ngọc có thêm kinh phí chữa bệnh.
Theo ông Hoàng Công Lộc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ T.X Phổ Yên, chị Đào là một trong những tình nguyện viên tích cực, lâu năm của Hội Chữ thập đỏ thị xã. Với tấm lòng lương thiện, không quản ngại khó khăn, vất vả của cuộc sống đời thường, chị sẵn sàng sẻ chia, mang niềm vui đến với những người nghèo, người có hoàn cảnh éo le. Nghĩa cử của chị thật đúng với câu nói: “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” nên càng ý nghĩa hơn. Có thể sự giúp đỡ của chị chưa được nhiều, song đã thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, góp phần động viên, khích lệ người nghèo vươn lên. Việc làm ý nghĩa của chị trong những năm qua rất đáng khen ngợi và cần được nhân rộng trong cộng đồng.