"Ông già Thần Sa"
Ông Đồng Văn Lan và cháu nội. |
Ở huyện Võ Nhai, nhiều người dân gọi ông Đồng Văn Lan ở xóm Trung Sơn, thành viên Ban Quản lý di tích xã Thần Sa bằng cái tên thân thiện: “Ông Thần Sa”. Bởi ông có nhiều gắn bó, kỷ niệm với Khu di tích Thần Sa. Hơn thế, ông tích cực vận động đồng bào trong vùng cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị Di tích.
Ông Đồng Văn Lan khề khà kể: Từ tấm bé tôi đã cùng lũ trẻ trong vùng ngụp lặn dưới lòng sông tìm cá, nhặt cuội. Lắm lần rủ nhau lên các hang lấy củi, leo trèo cây tìm quả chín, chẳng biết mệt là gì. Có đoàn cán bộ khảo cổ về địa phương khảo sát, nghiên cứu, biết tôi nhanh nhẹn, thuộc đường, thạo hang nên đến nhà nhờ đưa đi. Thấy lạ, nhưng vì tò mò, tôi nhanh nhảu nhận lời, đưa các ông, bà chuyên gia từ Thủ đô Hà Nội vào thăm núi, xem hang.
Nói đúng hơn thì hồi bấy giờ ông đang làm cán bộ văn hóa xã nên được lãnh đạo địa phương giao nhiệm vụ đưa các đoàn khảo sát đi thực địa. Hồi bấy giờ đường đất từ trung tâm huyện vào khó khăn, ông Lan lại có nhà ở gần khu vực Di tích, nên để thuận việc, các đoàn khảo sát nhờ ông giúp chỗ ăn, ở. Vậy là gắn bó, thân thiện.
Trong các cuộc “hành trình” tìm về thời tiền sử ấy, ông nói cho họ nghe về tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình; còn họ giảng giải cho ông hiểu về trầm tích, về niên đại của đá.
Ông còn nhớ như in lần đưa PGS.TS Hoàng Xuân Chinh cùng một số các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam năm 1971. Khi đứng trước hang, thấy nhũ đá từ trên vòm hang cắm xuống, từ dưới nền hang dựng nên trông giống như răng thú, ông Hà Văn Tiệm, Chủ tịch UBND xã buột miệng, nói: Trông giống như cái miệng con hổ. Hang có tên Miệng Hổ từ bấy giờ.
Cũng ở hang này, năm 1978, tôi đưa đoàn khảo cổ học và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm, khảo sát một số hang động. Đến hang Miệng Hổ, đứng đó trò chuyện, đồng chí Vũ Ngọc Linh, Bí thư Tỉnh ủy hỏi: Đây là núi gì? Tôi nói: Núi Phiêng Tung. Đồng chí Linh bảo: Thế gọi luôn là hang Phiêng Tung. Kể từ bấy đến nay, hang này mang tên gọi Phiêng Tung hoặc Miệng Hổ.
Mỗi lần đưa đoàn đi thăm hang, hoặc đào tìm, ông đều để ý rất kỹ xem họ lấy thứ gì từ trong lòng núi của quê hương. Khi đoàn về xuôi, bà con đến nhà trà nước, lựa ý hỏi ông về việc họ đã lấy, mang đi thứ gì, có nhiều vàng không? Ông băn khoăn: Họ chẳng lấy cái gì ngoài mấy mảnh đá, vỏ ốc...
Ông giảng giải cho bà con cùng biết: Đó là những hiện vật vô giá phục vụ cho ngành Sử học và Khảo cổ học, không riêng của Việt Nam mà của cả thế giới. Có mặt ở đó, ông Đồng Minh Chế, Trưởng xóm Trung Sơn tự hào: Người dân chúng tôi quen đi núi, lội ruộng, đời đời kiếp kiếp ở đây mà không biết mình được sống trên vùng đất di sản. Chỉ khi ông Lan kể cho nghe về người tiền sử, về giá trị di chỉ Thần Sa, chúng tôi mới thấy vinh dự, tự hào.
Ông Lan trăn trở: Những tưởng nơi ngàn xưa từng tồn tại một nền văn minh của loài người bị thời gian khỏa lấp. Và những tài liệu quý liên quan đến người tiền sử ở vùng đất Thần Sa được khai quật, gói ghém lại trong tủ hồ sơ. Nhưng bởi những tài liệu sơ khai từ các lần khảo sát, nghiên cứu trước đây lại cực kỳ có giá trị nên nhiều người trong giới nghiên cứu về cổ học, sử học cổ đại đã không bỏ qua mà lặng lẽ nghiên cứu, chuẩn bị cho những chuyến khảo sát kiếm tìm, như các đoàn của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Viện Khảo cổ học; Viện Đông Nam Á; Khoa sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay Đại học Khoa học xã hội & nhân văn) và Khoa Bảo tàng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tìm về thực hiện các đợt khai quật có quy mô lớn.
Đó cũng là những ngày vui vẻ, hạnh phúc và tôi đã học thêm ở họ rất nhiều kiến thức về khảo cổ, về sử học. Nhờ vậy mà mỗi lần đưa các đoàn du khách trong nước, quốc tế về tham quan di chỉ Thần Sa, tôi có thể kể cho họ nghe rành rẽ về giá trị di sản trên đất quê mình, về kỹ năng sinh tồn của người tiền sử. Cũng bởi thế mà nhiều người gọi tôi là ông già Thần Sa. Tôi thấy vui bởi mình đang được đóng góp công sức cùng các nhà chuyên môn tìm kiếm và phát huy giá trị di sản nhân loại – ông Lan nói.