Thành công nhờ bản lĩnh và hướng đi riêng
Ông Phạm Tuần Hoàn (bên phải), Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ. |
Từ bỏ công việc ổn định để thử thách bản thân ở lĩnh vực thương trường, ông Phạm Tuần Hoàn, sinh năm 1953, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ (T.P Sông Công) đã thành công nhờ sự bản lĩnh và hướng đi riêng của mình.
Dù không đặt lịch hẹn trước nhưng ông Phạm Tuần Hoàn vẫn vui vẻ nhận lời tiếp đón chúng tôi trong dịp cuối năm vốn rất bận rộn. Cách nói chuyện niềm nở, có phần phóng khoáng của ông tạo cho chúng tôi cảm giác gần gũi, thoải mái. Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết, trước khi trở thành Giám đốc doanh nghiệp, ông Hoàn từng làm việc cho Nhà máy Y cụ 2 (nay là Công ty CP Meinfa) được 23 năm. Tại đây, ban đầu từ công nhân ông được điều động sang làm nhân viên phòng kế hoạch, có nhiệm vụ đi đặt hàng gia công đệm mút giường bệnh, gen nhựa, bao bì giấy ở các nhà máy sản xuất tại T.P Hà Nội.
Ông nhớ lại: “Khi đến các xưởng sản xuất bao bì giấy, tôi mới biết có nhiều nhà máy ở Thái Nguyên cũng phải thuê xe về tận Hà Nội, xếp hàng đợi mua sản phẩm”. Sau khi tìm hiểu thêm, ông Hoàn biết được ngành nghề sản xuất bao bì giấy chưa có ai làm ở tỉnh, thậm chí miền Bắc mới chỉ có 3-4 nhà máy. Từ đó, ông “thai nghén” ý tưởng thành lập doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này. Đây cũng là lý do khiến ông có được thành công như ngày hôm nay.
Để biến ý tưởng thành hiện thực, ông Hoàn không chỉ đi tìm hiểu tại các cở sản xuất bao bì tại T.P Hà Nội mà còn ở các tỉnh Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa để tự học kỹ thuật. Tới nhà máy nào đặt hàng, ông cũng xin vào thăm quan, hỏi han và quan sát cách họ làm ra sản phẩm. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn chủ động sắp xếp thời gian rảnh xin đi làm thuê để hiểu hơn phương pháp, kỹ thuật sản xuất bao bì giấy. Sau đó lặn lội vào tận miền Nam tìm hiểu một số cơ sở sản xuất khác nhằm so sánh và tiếp thu những cái hay về công nghệ của mỗi vùng miền.
Vốn ham học hỏi nên ngoài tìm hiểu sản xuất bao bì giấy, ông còn học được cách gia công đệm mút ghế tựa, sa lông, bàn khám trang thiết bị cho các bệnh viện trong cả nước và sản xuất các sản phẩm dân dụng bán ra thị trường. Nhờ đó, năm 1993 và 1995, ông đã tự mở 2 xưởng gia công may đệm mút, ép nhựa tại nhà cho vợ mình quản lý. Ngày đó, công việc nhiều đến mức phải thuê thêm 10 người giúp việc khác. Hơn 20 năm vừa làm việc cho Nhà máy Y cụ 2 vừa duy trì xưởng gia công tại nhà, ông Hoàn tích góp được một số vốn nhất định cộng với may mượn thêm từ ngân hàng, năm 2004, ông quyết định nghỉ việc tại Nhà máy Y cụ 2 để thành lập công ty riêng của mình.
Công ty TNHH Hoàn Mỹ ra đời từ đó, hoạt động với dây chuyền sản xuất bao bì Carton, công suất 15m sản phẩm/phút. Do xác định đúng ngành nghề mà thị trường đang cần, nên ngay sau khi đi vào hoạt động, Công ty của ông Hoàn đã liên tiếp ký được nhiều đơn hàng, trung bình khoảng 800 tấn sản phẩm/năm. Tại thời điểm đó, Công ty của ông đã giải quyết việc làm được cho 60 người lao động.
Ông Hoàn cho biết: Trong 10 năm đầu là quãng thời gian phát triển nhất của Công ty, bởi gần như bao bì giấy của chúng tôi chiếm lĩnh thị trường của tỉnh. Hơn nữa, những yêu cầu về kỹ thuật sản phẩm ngày đó cũng không đòi hỏi cao như hiện giờ nên chi phí sản xuất (từ nguyên liệu đến đầu tư máy móc) không cần quá lớn mà vẫn có lãi.
Tuy nhiên, theo ông Hoàn trong vòng 5 năm trở lại đây và những năm tiếp theo, Công ty sẽ gặp khó khăn nhiều hơn thuận lợi vì ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trong khi yêu cầu về kỹ thuật sản phẩm cũng ngày càng cao, khiến chi phí sản xuất lớn, lãi suất sẽ giảm đi.
Dự đoán điều này, 4 năm qua, ông Hoàn đau đáu nghĩ đến việc chuyển hướng Công ty phát triển theo chiều sâu - nghiên cứu, chế tạo dây chuyền sản xuất bao bì giấy. Vì thế, ông vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa dành thời gian cho nghiên cứu, chế tạo máy móc phục vụ cho hoạt động của chính đơn vị. “Tôi còn vận động cả con trai đang làm kỹ sư tự động hóa ở dưới Hà Nội về cùng thực hiện ý tưởng. Thấy tôi quyết tâm cao nên con trai đã đồng ý”, ông Hoàn cười nói.
Và sau hơn 4 năm, cùng sự miệt mài, quyết tâm và trải qua không biết bao lần thất bại, hai cha con ông Hoàn đã sản xuất thành công từ những thiết bị đơn giản - đường băng tải, vật dụng gắp sản phẩm đến các cỗ máy đòi hỏi sự lao động trí tuệ như máy cán sóng, giàn thu phôi máy in… cho công suất tăng gấp 10 lần so với dây chuyền cũ (150m sản phẩm/phút), trị giá hơn 20 tỷ đồng. Hiện tại, ông Hoàn đang thực hiện đăng ký bản quyền thương hiệu và từng bước đưa công nghệ của mình ra thị trường tiêu thụ, góp phần tăng doanh thu thêm hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Được biết, riêng đối với sản xuất bao bì giấy, Công ty đang giải quyết việc làm cho khoảng 40 người lao động, với mức lương từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu đạt khoảng 20 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 500 triệu đồng/năm.
Trong lúc trò chuyện, ông Hoàn hay khó nghe và bảo chúng tôi nói to hơn bình thường. Hỏi lý do, chúng tôi mới hay biết ông là bị thương (điếc một bên tai) sau khi trở về từ chiến trường miền Nam. Ông nói: “Trước khi vào làm việc tại Nhà máy Y cụ 2, tôi có một thời gian công tác tại Sư đoàn 312”. Mang trong mình phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông Hoàn đã không ngại khó khăn, nỗ lực vươn không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động.