Trao yêu thương để lan tỏa yêu thương

Cập nhật: Thứ năm 14/02/2019 - 09:51
 Tổ Thiện tâm gói bánh chưng  tặng học sinh  Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Tổ Thiện tâm gói bánh chưng tặng học sinh Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Suốt 10 năm qua, các thành viên trong Tổ Thiện tâm (T.P Thái Nguyên) vẫn lặng lẽ làm từ thiện, mang yêu thương đến với những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em thiệt thòi, cụ già neo đơn trên địa bàn tỉnh. Những việc làm nhỏ bé đã trở thành nguồn động viên lớn cho không ít mảnh đời bất hạnh.

Tổ Thiện tâm do Bà Nguyễn Thị Thì, phường Hoàng Văn Thụ đứng ra phát động thành lập năm 2009. Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay Tổ đã có 30 thành viên. Các thành viên đều là người cao tuổi, là phật tử, nhiều người là cán bộ về hưu, người ít tuổi nhất là 60 tuổi, người nhiều tuổi nhất là 80 tuổi. Từ khi thành lập, Tổ đã có nhiều hoạt động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, nổi bật như: nấu và phát cháo đều đặn hàng tuần cho học sinh tại Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh và các cụ già trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; tổ chức các thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi tại Khu điều trị Phong Phú Bình; thăm tặng quà người dân bị hỏa hoạn, thiên tai, lũ lụt; 2 năm gần đây, Tổ duy trì phát cơm hàng tuần cho bệnh nhân Bệnh viện tâm thần tỉnh (mỗi lần từ 70 - 100 suất); hỗ trợ gạo ăn hàng tháng cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Bà Nguyễn Thị Thì, Tổ trưởng Tổ thiện tâm cho biết: Qua truyền thông cũng như trong đời sống hàng ngày, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khổ cực, chúng tôi muốn giúp đỡ họ dù là những việc làm nhỏ nhất. Có khi chỉ là nải chuối, cân đường, hộp sữa hay bát cơm, bát cháo hàng tuần… Với nhiều người có thể là bình thường, nhưng với những hoàn cảnh khó khăn, họ trân quý điều nhỏ nhoi đó khiến chúng tôi càng xúc động và thấy rằng nên làm nhiều việc thiện hơn nữa. Ban đầu, Tổ gặp khó khăn khi tìm nguồn kinh phí hỗ trợ bởi thành viên đều là người già nên chỉ đi vận động bằng miệng chứ không biết sử dụng điện thoại, mạng xã hội như nhiều nhóm thiện nguyện khác. Khi đó, để duy trì hoạt động, các thành viên tự bỏ tiền túi. Thấy việc làm của các bà thiết thực, ý nghĩa, nhiều người ủng hộ tiền hoặc các phần quà, đồ dùng, vật dụng để tặng người nghèo. Tổ cũng bầu ra tổ trưởng, thủ quỹ, kế toán để hoạt động công khai, hiệu quả cũng như làm cầu nối tin tưởng của các cá nhân, tổ chức hảo tâm đến tay người nghèo.

Chúng tôi luôn nói với nhau, nơi nào có khó khăn thì mình đến, dù đồng tiền, công sức mình bỏ ra không lớn nhưng nếu giúp đỡ những người thực sự cần và giúp đúng người thì sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều, bà Phạm Thị Duyên, 78 tuổi, phường Quang Trung cho hay. Tham gia các hoạt động từ thiện không chỉ ý nghĩa mà bà còn cảm thấy mạnh khỏe, phấn chấn.

Còn với bà Phạm Bích Thảo, tổ 2A, phường Hoàng Văn Thụ, dù cả hai vợ chồng bà và con gái đầu đều bị nhiễm chất độc da cam nhưng bà vẫn tích cực đi làm từ thiện cùng tổ, chuyến nào không đi được bà lại gửi tiền, hoặc quà. Bà cười bảo: Bản thân sống trong khổ cực nên khi chứng kiến những người có cùng cảnh ngộ, tôi muốn được chia sẻ phần nào khó khăn với họ. Gia đình tôi những năm qua cũng đã được nhiều tập thể, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đến thăm hỏi, tặng quà, động viên, giúp chúng tôi tự tin vươn lên trong cuộc sống. Tôi luôn nghĩ, mình nên làm nhiều việc thiện để có thể giúp đỡ những số phận thiếu may may khác.

Chị Nguyễn Thị Tuệ, giáo viên lớp 4M, Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh cho biết: Với đối tượng học sinh đặc thù, thời gian qua, nhà trường cũng được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, tuy nhiên, lâu và thường xuyên nhất là Tổ Thiện tâm T.P Thái Nguyên. Thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần hay các dịp lễ, Tết các bà đều đến thăm, mang quà, nấu cháo, nấu cơm, giao lưu văn nghệ với các em. Những việc làm của các bà giúp các em cảm thấy tự tin hơn để hòa nhập với cộng đồng.

Để duy trì hoạt động từ thiện, mỗi thành viên trong tổ góp 100 nghìn đồng/năm, ngoài ra, mỗi người tùy vào mối quan hệ, khả năng của mình để vận động thêm. Thời gian tới, Tổ thiện tâm mong muốn sẽ được nhiều người biết đến hơn và ủng hộ bằng kinh phí, nhân lực. Đồng thời, các tổ chức xã hội sẽ phối hợp với Tổ để cùng san sẻ với những người nghèo.

10 năm qua, bà Thì cũng như các thành viên trong tổ không thể nhớ hết mình đã đến những đâu, tặng bao nhiêu suất quà, suất cháo, cơm cho bao nhiêu người. Chỉ biết rằng, sau mỗi chuyến đi, mỗi việc làm, ai cũng thấy mình đang sống vui, sống khỏe, sống có ích hơn. Với các thành viên, Tổ thiện tâm như mái nhà thứ hai, bởi ở đó họ có thể cùng nhau trao yêu thương để lan tỏa yêu thương.                                                                           

Lưu Phượng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: