Cầu nối đưa khoa học - kỹ thuật đến người dân

Cập nhật: Thứ ba 22/10/2019 - 07:10
 Mô hình trồng ổi Đài Loan do Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Định Hóa hỗ trợ thực hiện năm 2016 tại gia đình chị Lương Thanh Huyền, xóm Bản Đa, xã Kim Phượng hiện nay cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng ổi Đài Loan do Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Định Hóa hỗ trợ thực hiện năm 2016 tại gia đình chị Lương Thanh Huyền, xóm Bản Đa, xã Kim Phượng hiện nay cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Với vai trò cầu nối đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến với người dân, những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (trước đây là Trạm Khuyến nông) huyện Định Hóa đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp người dân trên địa bàn huyện từng bước thay đổi tập quán canh tác, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.

Vài năm trở lại đây, bên cạnh sản phẩm gạo Bao Thai vốn đã nổi tiếng từ lâu, huyện Định Hóa có thêm một sản phẩm gạo thơm ngon được thị trường rất ưa chuộng với tên gọi J02 (hay còn gọi là gạo Nhật). J02 là giống lúa thuần chất lượng cao được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Định Hóa đưa vào trồng thử nghiệm từ vụ xuân năm 2016 tại 6 xã Bảo Cường, Kim Phượng, Tân Dương, Định Biên, Bảo Linh, Linh Thông với quy mô 74ha. Với ưu điểm cho năng suất cao hơn các giống lúa khác đang gieo cấy tại địa phương từ 10-12 tạ/ha, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gạo dẻo, thơm ngon nên giống lúa thuần chất lượng cao J02 đã được bà con trên địa bàn huyện đưa vào gieo cấy với diện tích ngày càng tăng và đang từng bước thay thế các giống lúa truyền thống năng suất thấp tại địa phương. Từ 74ha trồng khảo nghiệm tại 6 xã ban đầu, đến nay, diện tích gieo cấy lúa J02 đã mở rộng trên địa bàn 24/24 xã thị trấn với tổng diện tích trên 500ha/vụ, chiếm 12,5% diện tích gieo cấy toàn huyện. Từ năm 2017 đến nay, cùng với việc hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa J02, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện còn triển khai thực hiện mô hình cánh đồng một giống J02. Việc triển khai thực hiện cánh đồng một giống J02 đã giúp bà con giảm được chi phí sản suất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; đồng thời, từng bước thay đổi thói quen canh tác, tư duy sản xuất nhỏ lẻ để hướng đến sản xuất hàng hóa. 

Gia đình bà Ma Thị Lan, xóm Gốc Hồng, xã Quy Kỳ là một trong những hộ đầu tiên thực hiện mô hình gieo cấy khảo nghiệm giống lúa J02 từ vụ xuân năm 2016. Trò chuyện với chúng tôi, bà Lan cho biết: Tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ 100% giá lúa giống; đồng thời, được cán bộ khuyến nông tập huấn về khoa học kỹ thuật và các đặc tính cơ bản của giống lúa này để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Kết thúc vụ gieo cấy đầu tiên, giống lúa J02 cho năng suất 234kg/sào, cao hơn 44kg/sào so với giống Khang dân trước đây. Mặt khác, lúa J02 cho chất lượng gạo dẻo, thơm ngon nên giá bán cũng cao hơn từ 15 -20% so với giá các loại gạo khác tại địa phương. Vụ mùa năm nay, cùng với nhiều hộ khác tại địa phương, gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ 5 sào cấy lúa Khang dân sang J02, dự kiến năng suất đạt khoảng 230kg/ sào. 

Cùng với mô hình hỗ trợ mở rộng vùng sản xuất lúa J02 chất lượng cao, những năm gần đây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Định Hóa còn triển khai thực hiện nhiều mô hình khuyến nông nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học -  kỹ thuật đến với người nông dân. Trong 4 năm (từ 2016 đến nay) từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và nguồn ngân sách huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai thực hiện 14 mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên tất cả các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp tại 24/24 xã, thị trấn với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3,9 tỷ đồng cho gần 700 gia đình tham gia. Qua đánh giá kết quả, hầu hết các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế đều đạt và vượt so với kế hoạch, lợi nhuận tăng hơn 15-25% so với phương thức sản xuất truyền thống. Hiện nay, nhiều mô hình khuyến nông  hiệu quả đã và đang được nhân rộng trên địa bàn huyện. Điển hình như: Mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ mới tại xã Bảo Cường, Kim Phượng và thị trấn Chợ Chu; mô hình phát triển chăn nuôi lợn rừng tại 5 xã: Phượng Tiến, Bảo Cường, Trung Lương, Bình Yên và  Phú Đình; mô hình giảm nghèo nuôi lợn nái Móng cái sinh sản tại xã Kim Phượng; mô hình trồng ổi Đài Loan tại xã Trung Lương, Bảo Cường, Kim Phượng; mô hình chăn nuôi giống bò cái Lai sind sinh sản tại xã Phúc Chu; mô hình chọn lọc, cải tạo và nâng cao tầm vóc đàn dê địa phương tại 11 xã trên địa bàn huyện… 

Bên cạnh việc xây dựng những mô hình khuyến nông phù hợp với từng đối tượng người dân và từng địa phương, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện còn phối hợp tổ chức khoảng 40 lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật cho trên 2.500 lượt người dân trên địa bàn huyện. Nội dung các lớp tập huấn tập trung chủ yếu vào những kiến thức căn bản về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản; kỹ thuật trồng lúa, cây ăn quả… Thông qua việc triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề gắn lý thuyết với thực hành theo phương châm "cầm tay chỉ việc, đào tạo nghề thành thạo trong sản xuất nông nghiệp" đã từng bước giúp người nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều mô hình đã được nhân rộng, đưa vào sản xuất đại trà, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Theo đánh giá của đồng chí Hoàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: Những mô hình khuyến nông chính là đòn bẩy, là sự cộng hưởng góp phần lan tỏa tinh thần hăng say sản xuất, khuyến khích được các gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Việc triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án khuyến nông đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn huyện. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn ở mức 27,62% thì nay đã giảm xuống còn 10,3%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22 triệu đồng/ người (năm 2015) lên 34,5 triệu đồng/người (năm 2019).

Nguyên Ngọc
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: