Đưa sản phẩm trà thành ngành hàng mũi nhọn
Công nhân Công ty CP Tập đoàn che Tân Cương Hoàng Bình đóng hộp sản phẩm trà túi lọc. |
Như chúng ta đã biết, sự kiện Lễ hội “Hương sắc trà Xuân” được T.P Thái Nguyên tổ chức tại vùng chè đặc sản Tân Cương ngay trong những ngày đầu năm mới Mậu Tuất đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và du khách thập phương. Đến lễ hội ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, nhất là người làm chè Tân Cương vì đây là dịp tôn vinh sản phẩm trà địa phương, cơ hội để tỉnh quảng bá rộng rãi đặc sản quê hương đến mọi người. Tuy nhiên, điều mà chúng ta quan tâm nhất chính sau mỗi lần tổ chức lễ hội, hành động cụ thể của chính quyền thế nào để cây chè và sản phẩm trà trở thành cây trồng mũi nhọn, ngành hàng quan trọng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Những năm gần đây, chiến lược phát triển cây chè và thương hiệu trà Thái Nguyên đã được tỉnh quan tâm. Bằng chứng là đã có các đề án, dự án phát triển cây chè mang tầm vĩ mô được triển khai trên cơ sở quy hoạch vùng chè theo điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với từng địa phương. Mặt khác, hàng năm, các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại quảng bá hình ảnh, sản phẩm trà Thái Nguyên được triển khai rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, định kỳ cứ hai đến ba năm tỉnh lại tổ chức “Festival trà” nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài vào hoạt động chế biến, cung ứng, xuất khẩu sản phẩm trà. Các địa phương trong tỉnh, tùy từng điều kiện cụ thể hàng năm cũng tổ chức các lễ hội tôn vinh người trồng chè và sản phẩm trà, trong đó đáng chú ý có Lễ hội “Hương sắc trà Xuân” của T.P Thái Nguyên, Lễ hội trà của huyện Đại Từ, Lễ hội vinh danh các làng nghề chè của huyện Phú Lương… Đây là các lễ hội thường niên nhằm mục tiêu nâng tầm giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên nói chung và trà đặc sản các vùng miền trong tỉnh nói riêng.
Xét về tổng thể, các hoạt động lễ hội tôn vinh cây chè của tỉnh đều được triển khai bài bản, mang lại nhiều hữu ích. Trong đó, ngoài thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với người làm chè, với sự phát triển kinh tế nông nghiệp còn là dịp để quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên với đa dạng mẫu mã, loại hình sản phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chè Thái Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Giá trị sản phẩm chè của chúng ta còn thấp mặc dù thời gian gần đây đã được cải thiện nhiều. Riêng về lĩnh vực xuất khẩu, đã có giai đoạn chúng ta dẫn đầu các tỉnh trong khu vực về số lượng, nhưng kim ngạch đạt thấp. Thời gian gần đây, giá trị xuất khẩu chè của tỉnh có xu hướng giảm dần. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu chè các loại của tỉnh chỉ đạt 5,3 triệu USD, thấp hơn năm 2016 khoảng 1 triệu USD. Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT, giá trị xuất khẩu mỗi kilôgam chè của chúng ta bao giờ cũng chỉ bằng 1/3 giá trị xuất khẩu của các nước bạn.
Tham gia Lễ hội “Hương sắc trà Xuân” dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp đến thăm một số hộ làm chè tiêu biểu của xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Tại đây, Bộ trưởng rất vui mừng khi biết người làm chè ở Thái Nguyên đã sản xuất được loại trà đặc sản bán ra thị trường với giá từ 5 đến 10 triệu đồng/kg, cao gấp gần 10 lần so với các loại trà thông thường. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng,so với các nước có thế mạnh về xuất khẩu chè thì chúng ta còn thua kém xa. Bộ trưởng chia sẻ, có quốc gia đã xuất khẩu với giá trên 100 triệu đồng/kg trà. Tại buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh sau Lễ hội “Hương sắc trà Xuân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc tổ chức các hoạt động lễ hội, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm trà của tỉnh là rất cần thiết, song hơn hết vẫn phải có chiến lược phát triển sản phẩm trà thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp chứ không đi theo lối manh mún, nhỏ lẻ và thiếu quy mô như thời gian qua.
Bộ trưởng gợi mở: Cần phát triển ngành chè theo hướng tăng dần sản phẩm đặc sản trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, phải tạo được vùng nguyên liệu dồi dào gắn với công nghệ chế biến hiện đại. Tóm lại, theo Bộ trưởng, chè Thái Nguyên phải phát triển theo hướng kết nối với vùng du lịch và dịch vụ. Lấy cây chè và sản phẩm trà để tạo sức hút cho du lịch và lấy du lịch để quảng bá hình ảnh và thương hiệu trà… Người làm chè phải thay đổi tư duy sang sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp; chính quyền cần xem việc xây dựng và phát triển thương hiệu chè không chỉ cho Thái Nguyên mà chính là cho đất nước Việt Nam, thương hiệu chè phải mang tầm quốc tế.
Với diện tích chè trên 20.000ha, sản lượng đạt hơn 200.000 tấn búp tươi/năm, trong đó riêng vùng chè đặc sản Tân Cương có diện tích trên 1.500ha, sản lượng đạt gần 20.000 tấn, Thái Nguyên có điều kiện rất lớn để phát triển cây chè thành ngành hàng quan trọng của nền kinh tế. Với những gợi mở mang tính chiến lược, lâu dài của người đứng đầu Ngành Nông nghiệp và PTNT, hy vọng thời gian tới tỉnh ta sẽ không ngừng phát triển ngành chè tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.