Duyên nợ với nghề nuôi ong lấy mật
Từ nuôi ong, gia đình ông Đỗ Văn Học có thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm. |
Tôi nuôi ong lấy mật. Tôi yêu mến con ong như sinh mạng mình. Nên kể cả khi ngủ, tôi cũng nhìn thấy sự cần cù, chăm chỉ làm việc của con ong. Ông Đỗ Văn Học, 67 tuổi, người thương binh ở xóm Đồng Tiến, xã Tân Thái (Đại Từ) bộc bạch.
Xóm Đồng Tiến tựa lưng vào núi Vuốt, hướng mặt về phía Hồ Núi Cốc. Khung cảnh thiên nhiên trong lành, nhiều loài hoa đua nở nên có nhiều nông dân ở vùng này đầu tư nuôi ong lấy mật, ông Học là một người trong số đó. Dù đi nhiều, biết nhiều, song ông sống kiệm lời, chân chất, nói lời thực bụng khiến ai đã một lần gặp thì cảm mến, tin tưởng.
Ông ngoắc tay, bảo: Ra ngoài này, anh sẽ thấy “đội ngũ công nhân” của tôi đang làm việc không có giờ nghỉ giải lao... Tôi vội đặt chiếc điếu cày vào cạnh bàn trà, theo ông ra “công trường”. Đó là một vườn cây thoáng rộng kề bên Hồ Núi Cốc. Dưới gốc cây được đặt từng thùng ong. Thấy có chỗ thùng ong xếp thành hàng, chỗ khác lại đặt tùy hứng, tôi hỏi: - Sao ông không sắp xếp các thùng ong thành các hàng ngang, dọc ngay ngắn.
- Không, phải chọn vị trí để sắp xếp chỗ cho ong ở. Đảm bảo cho đàn ong không bị quá nóng về mùa hè, quá lạnh về mùa Đông, như thế con ong mới đảm bảo sức khỏe để tổ chức lấy mật - Ông Học nói.
Đang những ngày đầu Xuân, mưa bụi cùng tiết trời ấm áp khiến các hòn đảo nổi lên trên mặt Hồ Núi Cốc và triền núi Vuốt cây cành bật bung chồi nụ, hoa hé môi cười chào đón ánh bình minh. Nhìn từng chú ong mê mải rúc đầu vào đài hoa, ông Học nói như một triết gia: Ngoài lấy mật, tạo hóa còn giao cho con ong làm công việc thụ phấn cho các loài cây. Nhờ ong mà bông hoa nở ra không vô nghĩa. Nhờ ong mà những bông hoa được kết trái.
Làn gió từ mạn hồ thoảng qua, ông đứng lặng yên như để hà hít một không khí trong lành. Nhưng không phải, một thoáng khuôn mặt ông méo xệch, mảnh kim loại nằm trong cơ thế cù cựa làm ông thấy nhói lên một đau đớn. Chị Trương Thị Loan, công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã Tân Thái chia sẻ: Ông Học đi bộ đội năm 1972, đến cuối năm 1974 được phục viên. Thời quân ngũ, ông trực tiếp tham gia đánh địch tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế; Quảng Trị, Quảng Nam...
Giây lát nhớ lại, ông kể: Trận đánh tại ấp Đại Lộc 3 (Quảng Nam), tôi bị đạn súng đại liên của địch xuyên qua bả vai. Khi đang được cứu thương đang băng bó thì 2 mảnh đạn cối găm vào mông bên trái. Sau điều trị tại Quân y viện, trở về đơn vị, xuất ngũ về quê làm ruộng, lấy vợ năm 1975. Từ năm 1976 đến năm 1991, vợ chồng đẻ liền 7 đứa con, cuộc sống gia đình vì thế không tránh khỏi khó khăn. Nhưng nhờ có sức, vợ chồng sống hòa thuận, hôm sớm chăm bẵm 12 sào ruộng; làm cá giống; ngày nông vụ thư nhàn lên núi xẻ gỗ bán. Có tiền tích lũy, tôi chăn nuôi thêm trâu, bò. Tần tảo hôm sớm, nhà năm nào cũng có thóc đổ đầy bồ, đàn trâu, bò sinh sôi đông đàn, lúc nhiều nhất hơn 20 con. Hơn 20 năm trước tôi được về tỉnh dự Hội nghị biểu dương thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi; được về Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ.
- Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề nuôi ong mật. - Tôi hỏi vui.
- Phải nói là con ong nó đến với tôi mới đúng. - Ông nói chậm rãi: Năm 1998, cháu Đỗ Văn Đẳng, con trai thứ 4 của tôi đi thả trâu, bò trên núi Vuốt, vô tình thấy có đàn ong mật nên đã về gọi bố đến bắt về nuôi. Vừa lấy mật, vừa nhân đàn, chỉ ít năm sau đó tôi đã có những thùng ong đặt khắp các gốc cây trong vườn.
Để nuôi ong lấy mật thành công, ông chịu khó đọc sách, tự tìm tòi, nghiên cứu về kỹ thuật nuôi ong. Nhiều lần ông đến các hộ nuôi ong trong vùng học hỏi thêm kinh nghiệm, rồi tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi ong do chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ tổ chức. Do nắm chắc kiến thức cơ bản, nên ong không bỏ tổ, mà gắn bó, sinh sôi đông đàn. Ông nói hồn nhiên: Từ 15 năm gần đây tôi không làm ruộng, làm rừng, nghề ươm cá giống cũng bỏ luôn. Toàn bộ quỹ thời gian tôi dành cho nuôi ong. Tôi nuôi ở quy mô hơn 100 đàn. Bình quân 1 năm lấy được 500 lít mật; nhân đàn 30 thùng vừa bán, vừa giúp cho các hộ có giống cùng nuôi. Về thu nhập, 1 lít mật ong như hiện nay bán được 150.000 đồng; 1 đàn ong bán được 750.000 đồng. 7 con trai, gái của vợ chồng tôi đều đã có cuộc sống riêng, còn hai vợ chồng già ở lại sống nhờ vào đàn ong mật.
Ông cẩn thận lật mở mấy tàu lá cọ đậy trên nóc thùng ong, rồi nhẹ nhàng mở nắp thùng, lấy cho tôi xem cầu ong đầy mật vàng óng. Ông nói như vừa đủ cho những chú ong bám trên cầu mật nghe thấy: Mật đầy rồi, mai ấm trời tao lấy bớt để các chú mày rộng tổ.
Tôi nhìn ông, nhìn đàn ong rồi phóng mắt nhìn từng đảo nổi trên mặt Hồ Núi Cốc, và ngước trông lên dải núi Vuốt, thấy ở đó mùa hoa đang đơm bông gọi ong về xây mật.