Gỡ khó trong sản xuất, tiêu thụ nông sản: Đâu là giải pháp? (Kỳ II)

Cập nhật: Thứ tư 17/03/2021 - 08:26
 Sản phẩm rau, củ, quả của HTX rau an toàn Bình Minh, ở xã Nhã Lộng (Phú Bình) hiện đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.H
Sản phẩm rau, củ, quả của HTX rau an toàn Bình Minh, ở xã Nhã Lộng (Phú Bình) hiện đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.H

Có thể nói, hoạt động kết nối cung - cầu có vai trò rất quan trọng, là mắt xích then chốt trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, tạo động lực hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) thúc đẩy sản xuất. Để đẩy mạnh hoạt động liên kết này cần có sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương cùng bà con nông dân với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa ngành Nông nghiệp phát triển bền vững.

Tăng cường kết nối

Thái Nguyên có nhiều lợi thế về đất sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản với trên 303.500ha, chiếm 86% tổng diện tích toàn tỉnh. Các sản phẩm có lợi thế của tỉnh gồm: Chè, gạo, rau, thịt lợn, thịt gà, gỗ… Tuy nhiên, do chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nên nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh thường rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”.

Để gỡ khó cho khâu tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thời gian qua, các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Đơn cử như tháng 12-2020, Sở Công Thương đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá, phân tích và đề xuất giải pháp nhằm phát triển sản xuất và kết nối thị trường hàng hóa Thái Nguyên với một số tỉnh bạn. Tại hội nghị, đã có 6 biên bản ghi nhớ hợp tác về cung ứng sản phẩm giữa đại diện các siêu thị: GO!, Aloha và Minh Cầu với một số DN, HTX trên địa bàn.

Anh Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hùng Thái, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho biết: Tham gia hội nghị, tôi có cơ hội tiếp cận và đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với hệ thống Siêu thị GO! trên toàn quốc với số lượng 1 tạ chè búp khô/tháng. Các dòng sản phẩm của chúng tôi đang có mặt tại siêu thị gồm có: trà lắc, chè búp khô, trà Atiso, trà Giảo cổ lam, trà Sen...

Còn đối với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã đứng ra kết nối, xây dựng được 52 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, trong đó có 45 chuỗi chè, 4 chuỗi rau, 1 chuỗi thịt gà, 1 chuỗi thịt lợn và 1 chuỗi giò, chả. Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX rau an toàn Bình Minh, xã Nhã Lộng (Phú Bình) chia sẻ: Sản phẩm rau an toàn VietGAP của chúng tôi đã được ký được hợp đồng tiêu thụ với cửa hàng trưng bày và giới thiệu của Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh, chuỗi cửa hàng Nutifood, Mon green…

Quy hoạch vùng sản xuất tập trung

Để từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm tới khâu quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp trung. Đây cũng là chủ trương nhất quán của tỉnh nhằm nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản. Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên thông tin: Căn cứ vào điều kiện đất đai và thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, thị xã định hướng phát triển vùng sản xuất lúa ở các xã: Tiên Phong, Tân Phú, Thành Công, Minh Đức, Nam Tiến; vùng sản xuất rau ở các xã: Đông Cao, Nam Tiến, Tân Hương, Hồng Tiến; vùng cây ăn quả tại các xã: Phúc Thuận, Minh Đức, Thành Công... Đây là cơ sở để thị xã chỉ đạo đầu tư hạ tầng cho các vùng sản xuất và thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đại diện Hội Nông dân xã Lâu Thượng (Võ Nhai) trao đổi biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn với hộ chăn nuôi ở xóm Đất Đỏ. Ảnh: H.H 

Còn tại huyện Đồng Hỷ, xác định thế mạnh trong phát triển nông nghiệp là cây chè, cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi, huyện đã xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản với tổng diện tích gần 2.000ha. Lĩnh vực chăn nuôi cũng được địa phương đầu tư để chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung. Tính hết năm 2020, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 110 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tăng 35 trang trại so với năm 2015.

Phát triển các sản phẩm chủ lực

Nếu như trước đây, trồng cây gì, nuôi con gì vẫn là băn khoăn của người nông dân cũng như chính quyền các địa phương thì đến năm 2021, Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành như một lời giải cho bài toán để ngỏ nhiều năm nay. Theo Đề án, tỉnh sẽ tập trung phát triển 6 sản phẩm chủ lực, bao gồm: chè, quả (na, nhãn, bưởi), thịt lợn, thịt gà và trứng gà, gỗ, quế cùng với những chính sách khuyến khích phát triển từng loại sản phẩm gắn với vùng sản xuất tập trung của 9 huyện, thành, thị. Cụ thể, đối với cây chè, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gắn với chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các vùng chè trọng điểm. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu có 6.000ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm 25% tổng diện tích; 100% sản phẩm chè do DN, HTX liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu riêng và có mã số vùng trồng. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ lần đầu.

Giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh bố trí trên 2.700ha đất chuyển đổi từ đất trồng lúa và cây ăn quả kém hiệu quả, đất rừng sản xuất để trồng na, nhãn, bưởi. Đồng thời, hỗ trợ 100%  giá cây giống. Đối với sản phẩm thịt lợn, thịt gà và trứng, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển trang trại theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đối với sản phẩm gỗ, tỉnh khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ…

Như vậy, “tính chuyện đường dài” cho sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ nuôi, trồng đến tiêu thụ đã được tỉnh tính đến và có những giải pháp căn cơ, cụ thể, gồm: Hỗ trợ nông dân, HTX, DN… tiếp cận các chính sách ưu đãi; chú trọng thu hút đầu tư trong lĩnh vực sơ chế, chế biến; hỗ trợ chứng nhận GAP; xây dựng thương hiệu hàng hóa... Từ đó nông sản Thái Nguyên không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trên thị trường nội địa mà còn đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính, góp phần phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững.

Lương Hạnh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: