Hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất, tăng thu nhập
T.P Thái Nguyên hiện có trên 1.500ha chè, sản lượng bình quân đạt trên 22.000 tấn chè búp tươi/năm. |
Sau gần 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2016 - 2020, khu vực nông thôn của T.P Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến rõ nét. 100% các xã trên địa bàn đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM năm 2016. Hiện địa phương đang nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt chú trọng đến tiêu chí thu nhập.
Bức tranh nông thôn khởi sắc
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, những năm qua T.P Thái Nguyên luôn phát huy nội lực, tập trung huy động các nguồn kinh phí để xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn. Tính đến tháng 6-2019, tổng nguồn vốn huy động trên 777 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí của Trung ương gần 41 tỷ đồng; nguồn kinh phí của tỉnh gần 85 tỷ đồng; kinh phí của Thành phố trên 338 tỷ đồng; kinh phí của doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và nguồn vốn tín dụng trên 300 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí nêu trên, nhiều công trình được triển khai xây dựng, mang lại diện mạo khởi sắc cho vùng nông thôn. Theo đó, gần 130km đường xã và liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; trên 250km đường trục xóm và liên xóm được cứng hóa. Trong 10 năm, Thành phố xây mới 11 trung tâm văn hóa thể thao xã, 165/165 xóm được quy hoạch đất và xây dựng nhà văn hóa xóm. Hàng năm, địa phương dành nguồn kinh phí đáng kể để xây dựng, sửa chữa trường, lớp học. Đến nay, các trường học của các xã đều được xây dựng khang trang, đảm bảo đạt chuẩn Quốc gia.
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng hàng đầu, Thành phố chú trọng phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), làng nghề; mô hình trang trại, gia trại... Hiện, Thành phố có 33 HTX sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng cao gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Năm 2018, giá trị sản phẩm/1ha đất nông nghiệp của Thành phố bình quân đạt 120 triệu đồng/ ha/năm (tăng 30 triệu đồng so với năm 2016). Đời sống người dân các xã không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt khoảng 34 triệu đồng/năm, số hộ nghèo vùng nông thôn hiện chỉ chiếm 2,38%; hộ cận nghèo là 1,79%.
Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trên thực tế trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tại các xã còn bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế. Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết: Do quá trình đô thị hóa, diện tích để phát triển nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nên manh mún, nhỏ lẻ. Ông Lê Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức trăn trở: Nhiều năm thực hiện Chương trình, khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là diện tích để phát triển nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, muốn trồng trọt với quy mô lớn tạo ra mối liên kết để tiêu thụ sản phẩm là hết sức khó khăn. Còn ông Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND xã Huống Thượng thì cho hay: Mặc dù sớm về đích NTM, nhưng so với tiêu chí mới hiện nay thì nhiều tiêu chí, đặc biệt tiêu chí về hạ tầng trên địa bàn xã lại lạc hậu, không đạt chuẩn. Đơn cử như tiêu chí về giao thông, trước đây đường rộng 3m là đạt chuẩn, nhưng nay rộng 5m mới đạt chuẩn nên toàn bộ các tuyến đường liên xóm, đường vào khu sản xuất cần phải cải tạo và mở rộng mới phù hợp và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp...
Thực tế cũng cho thấy, về tổ chức sản xuất, hiện nay không ít HTX trên địa bàn Thành phố quy mô hoạt động nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp, thiếu tính nhạy bén với thị trường, chưa thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ và đầu mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và thành viên, gia đình, chưa có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết. Hoạt động ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao.
Ở một số xã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi, xây dựng, nâng cấp trường học, chợ, nhà văn hóa và khu thể thao xã, xóm... nhưng các nội dung về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa tạo được bước đột phá và chuyển biến rõ nét trong tiêu chí về thu nhập. Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng Phòng Kinh tế Thành phố cho biết: Để thực hiện tốt Chương trình, Thành phố sẽ khắc phục hạn chế, tập trung điều tiết các nguồn lực, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Đặc biệt chú trọng triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực trên địa bàn từng xã theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm; vận động người dân dồn điền đổi thửa, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp.